Bóng cha thầm lặng bên đời
Cơn gió xoáy chiều nay vô tình đi ngang trước khoảng sân nhà làm bụi tung mù mịt. Một vài hạt bụi rơi vào làm mắt tôi cay xè. Thoáng chút bần thần tôi lại nhớ đến cha. Có phải giờ đây trên ngọn đồi nào đó, cũng bụi tung mù mịt và cha cũng đang dụi mắt giống tôi…
Trong ký ức non nớt của mình những năm tháng cũ, tôi vẫn nhớ rõ nhà tôi giữa bốn bề cây cối, cửa nhà hướng về phía đường ray xe lửa. Hồi đó, không chỉ nhà tôi mà mọi ngôi nhà ở đây đều quay mặt về hướng đường ray. Chọn đường ray rải đầy đá là lối di chuyển chính thay vì những con đường rừng đầy muỗi, vắt và nỗi ám ảnh của bệnh sốt rét. Chọn đường ray bởi trên đó còn có ánh sáng từ những chiếc đèn măng-sông tỏa sáng ở nhà ga, trên những đầu ghi nằm rải rác xua tan không khí âm u, vắng vẻ; lâu lâu còn nghe tiếng sột soạt của heo rừng sát vách hay tiếng voi gầm rú đâu đó trong rừng.
Mỗi sáng, cha tôi lại vào bìa rừng với chiếc cưa, chiếc búa trên tay cùng chiếc giỏ lác với cơm trắng gói trong tàu lá chuối, một ít muối hạt và chiếc bi-đông đựng đầy nước. Cuối ngày, cha trở về nhà với vài bó củi khô buộc bằng dây rừng chất ở góc nhà, đợi chờ những chuyến tàu đêm. Những ngày không đi lấy củi, cha lại vỡ đất khai hoang trồng bắp, trồng điều.
Cha đầu tắt mặt tối nhưng nhà chẳng mấy khi đủ ăn. Lắm lúc mẹ phải đi nhặt nhạnh mớ rau tàu bay hay đào củ mài ăn chống đói. Anh em chúng tôi sinh ra, hết đứa này đến đứa khác cứ ốm yếu, xanh xao, nhất là với đứa em gái duy nhất trong nhà.
Mãi đến năm 1990, cha mẹ tôi mới biết em gái mắc bệnh tim to trong một lần đi khám. Em bệnh, gia đình tôi càng khó khăn hơn trước. Mẹ thường xuyên đưa em vào bệnh viện. Cha vừa phải gánh gồng khoản tiền thuốc cho em vừa phải chăm sóc 3 đứa nhỏ ở nhà. Nỗi nhọc nhằn cứ vậy trĩu nặng vai cha.
Nhưng có một điều lạ là trong ngần ấy năm trời, dù ở những thời điểm khó khăn nhất, tôi chưa bao giờ thấy cha nửa lời than thở. Dường như với cha tôi, mỗi người sinh ra đều có số phận đã được an bài từ trước nên cứ đón nhận một cách nhẹ nhàng. Anh em tôi lớn dần lên thì gánh nặng trên vai cha càng lớn. Nhà có 5 đứa con. Đứa lớn chưa xong, đứa sau đã lon ton bước tiếp. Đôi vai cha thêm nhiều vết chai mới chồng lên vết cũ. Cha miệt mài, cần mẫn, không quản ngày đêm nhưng chưa hề một lời than thở hay trách móc.
Cũng như hàng triệu người cha khác, cha tôi luôn vun vén cho tổ ấm của mình. Trong mắt người khác, cha là người quê mùa, ít học, tính lại hay bao đồng bởi nhà nào có ma chay, hiếu hỷ ông đều xăng xái khiến mẹ tôi lắm lúc lại cằn nhằn: "Ốc không mang nổi mình ốc mà lại mang cọc cho rêu". Đáp lại chỉ là nụ cười từ cha, nụ cười suốt mấy chục năm qua mỗi khi mẹ giận hờn, cau có. Với cha tôi, nhường nhịn là một cách yêu thương. Thứ cha nhận lại đó là sự bình yên của gia đình và tâm hồn thanh thản.
Cha tôi cũng chưa từng ôm những đứa con vào lòng, không hôn lên trán hay nói “ba thương con” như cách tôi vẫn hay làm với con tôi bây giờ. Nhưng trong suốt chặng đường dài mà anh em tôi đã đi qua, luôn có bóng cha lặng thầm bên cạnh…
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!