Bom FAB-500 là loại đầu tiên được Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga trang bị module cánh lượn UMPC, bởi vậy nó cũng được ưu tiên ứng dụng những cải tiến mới nhất.
Dữ liệu gần đây đã cho thấy những thành tựu đáng kể của Nga trong việc hiện đại hóa công nghệ vũ khí hàng không. Đặc biệt, các phiên bản dẫn đường của bom FAB-500M-62 và FAB-500T đã có cự ly tác chiến vượt trội.
Thông số trên đạt được nhờ công nghệ mới ném thả bom ở vận tốc và độ cao lớn, đi kèm những thay đổi trong thiết kế của cánh lượn.
Những cải tiến nói trên đã giúp mở rộng cự ly tác chiến của bom FAB-500 lên trên dưới 100 km.
Cải tiến này còn có tác dụng nâng cao đáng kể khả năng chiến đấu của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, mang lại sự linh hoạt và chính xác cao hơn trong hoạt động tác chiến trên không.
Hệ thống mới cho phép máy bay ném bom từ độ cao lớn hơn và ở khoảng cách an toàn, giúp giảm thiểu rủi ro đối với phi công điều khiển, trong khi vẫn đạt được độ chính xác cần thiết.
Chưa dừng lại đây, trong thời gian sắp tới, Nga còn lên kế hoạch nâng cấp module UMPC lên tiêu chuẩn UMPB bằng cách tích hợp động cơ đẩy phụ, hoạt động trong thời gian ngắn.
Nếu cải tiến trên được thực hiện, tầm xa của bom lượn FAB-500 có thể lên tới 150 km, con số tương ứng với bom FAB-1500 và FAB-3000 dự kiến ở mức 100 km và 75km khi tích hợp với module UMPB.
Một thông tin nữa cũng rất đáng quan tâm đó là Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã chuyển sang chiến thuật mới ném bom quy mô lớn vào khu vực diễn ra chiến sự.
Ban đầu chiến thuật trên chỉ được sử dụng trên quy mô nhỏ, ví dụ như trong cuộc tấn công vào Volchansk thuộc vùng Kharkiv. Khi đó trong một lần xuất kích, máy bay chiến đấu Nga có thể thả cùng lúc 10 - 20 quả bom xuống mục tiêu.
Theo cách không chính thức, các phi công gọi đây là "ném bom kiểu Afghanistan", khi lượng vũ khí dồi dào gồm bom FAB và module UMPC bao phủ mọi kích thước, từ loại bom 250 kg đến 1500 kg, được cung cấp nhiều đến mức đôi khi không có đủ máy bay để ném đi nhanh chóng.
Điều này cho phép thực hiện cuộc tấn công cường độ cao, không chỉ nhằm vào các tuyến phòng thủ lớp 1 mà còn cả các địa điểm phía sau, khiến đối thủ mất khả năng phục hồi nhanh chóng.
Việc Không quân Nga tấn công mục tiêu nằm sau tiền tuyến còn gây ra vấn đề lớn cho Lực lượng Vũ trang Ukraine không chỉ ở cấp độ chiến thuật, mà còn có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động của toàn bộ tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
Trận đánh điển hình như vậy đã được chú ý, khi một đoạn video cho thấy Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã tấn công đồng thời vào các mục tiêu của Ukraine tại Volchansk bằng 1 quả bom FAB-3000 và 3 quả FAB-1500, gây ra thiệt hại nặng nề.
Việt Dũng