Bói toán thời 4.0: Khi ChatGPT trở thành 'thầy tử vi' của người trẻ
Không còn cảnh ngồi hàng giờ chờ đến lượt xem bói hay phải tìm kiếm những 'thầy cao tay', ngày nay, nhiều bạn trẻ chỉ cần mở điện thoại, nhập câu hỏi vào ChatGPT hay các chatbot AI khác để được 'phán' về tình duyên, sự nghiệp, vận hạn.
Nhập vài thông tin, AI cho biết cả tương lai
Nguyễn Minh Hằng (23 tuổi, Hà Nội) vốn là người rất tò mò về bói toán nhưng chưa bao giờ có thời gian hay cơ hội đi xem bói trực tiếp. Một ngày, khi lướt mạng xã hội, cô nàng bắt gặp ứng dụng AI có thể xem tử vi chỉ bằng cách nhập tên, ngày sinh và giờ sinh. Vì tò mò, Hằng thử nhập thông tin và nhận về một bản phân tích chi tiết về cuộc đời mình theo nguyên tắc của Tứ trụ và Nhân tướng học.

Minh Hằng được AI "phán" là người thiên về cảm xúc, dễ dao động trong chuyện tình cảm.
"Ban đầu mình chỉ xem cho vui, nhưng sau thấy AI phân tích khá sát. Phần mềm nói mình là người thiên về cảm xúc, dễ bị dao động trong chuyện tình cảm – cái này đúng ghê! Lại còn dự đoán năm nay mình sẽ có một cơ hội nghề nghiệp tốt nữa", Hằng hào hứng kể.
Không chỉ Hằng, nhiều bạn trẻ khác cũng bị cuốn vào các "thầy bói AI". Chỉ cần nhập một vài thông tin cá nhân, AI sẽ lập tức đưa ra các dự đoán về sự nghiệp, tài chính, tình duyên, thậm chí là những lời khuyên để cải thiện vận mệnh.
Vốn là một người mê xem tử vi, nhưng lại không thích đến những địa điểm xem bói truyền thống, Ngọc Quyên (18 tuổi, Hà Nội) tình cờ phát hiện ra ChatGPT có thể "bói toán". Cô gái trẻ thử nhập ngày sinh, giờ sinh và đặt câu hỏi: "Năm nay việc thi cử của tôi sẽ thế nào?". Chỉ sau vài giây, chatbot trả lời một cách trơn tru:
"Dựa trên nguyên tắc tử vi, nếu bạn sinh vào tháng 1 năm 2007, năm nay là một năm có nhiều thử thách nhưng cũng đầy cơ hội. Bạn có thể gặp khó khăn ban đầu, nhưng nếu tập trung và kiên trì, kết quả sẽ khả quan. Hãy chú ý đến việc quản lý thời gian và giữ vững tinh thần để đạt được mục tiêu."

Ngọc Quyên nhờ AI xem bói về chuyện thi cử trong năm học cuối cấp.
Quyên đánh giá lời "phán" từ AI khá mơ hồ, không cụ thể, nhưng vẫn đủ để cô nàng cảm thấy yên tâm và có động lực hơn: “Dù biết AI chỉ phân tích theo dữ liệu có sẵn, nhưng nghe cũng hợp lý. Nó giống như một lời nhắc nhở mình cần cố gắng hơn,” cô chia sẻ.
Phương Nhi (24 tuổi) cũng là một "tín đồ" trung thành của những ứng dụng bói toán online: “Mỗi khi mình gặp chuyện không suôn sẻ, mình hay hỏi ChatGPT kiểu ‘Giai đoạn này có phải vận hạn của tôi không?’ hoặc ‘Tôi nên làm gì để công việc suôn sẻ hơn?’. Dù biết AI chỉ trả lời dựa trên dữ liệu có sẵn, nhưng nghe cũng hợp lý và giúp mình cảm thấy an tâm hơn.”
Một số bạn thậm chí còn dùng chatbot để “xem ngày tốt, ngày xấu” hoặc phân tích cung hoàng đạo, số mệnh theo phong thủy. Kiều Trang (23 tuổi) kể: “Mỗi lần định làm chuyện quan trọng như xin việc hay tỏ tình, mình đều hỏi ChatGPT xem có phải ngày đẹp không. Dù chỉ là niềm tin vui vui, nhưng vẫn thấy yên tâm hơn.”

Kiều Trang đều hỏi ChatGPT trước những chuyện quan trọng.
Thậm chí, một số bạn trẻ còn kết hợp ChatGPT với các ứng dụng bói toán truyền thống. Thu Trang (23 tuổi) đều đặn hàng ngày rút một lá bài tarot, sau đó nhập câu hỏi vào ChatGPT để chatbot “giải nghĩa” lá bài theo hướng dễ hiểu hơn. "Đọc tarot đôi khi khó hiểu, nhưng ChatGPT giúp mình phân tích cụ thể hơn và đưa ra những lời khuyên thực tế hơn," Trang chia sẻ.
"Số hóa" chuyện tâm linh
Sự kết hợp giữa công nghệ trí tuệ nhân tạo và bói toán không phải là điều xa lạ trong thời gian gần đây. Tại Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES) 2024, tập đoàn công nghệ SK Group (Hàn Quốc) đã trình làng “thầy bói” AI Fortune Teller. Cỗ máy này có khả năng đọc cảm xúc của người dùng bằng cách chụp ảnh chân dung, yêu cầu chọn một lá bài trên màn hình, sau đó phân tích đặc điểm khuôn mặt và lá bài để in ra một “lời tiên tri” về tương lai.
Các ứng dụng như Co-Star (sử dụng dữ liệu từ NASA để phân tích chiêm tinh), Faladdin (ứng dụng bói toán từ Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 20 triệu lượt tải), hay Taaraka (nền tảng chiêm tinh AI ở Ấn Độ) đều chứng minh rằng bói toán không chỉ là chuyện tâm linh, mà còn là một ngành công nghiệp công nghệ cao.
Tuy vậy, việc sử dụng AI để tiên đoán vận mệnh lại gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà khoa học, bởi các phần mềm trí tuệ nhân tạo này chỉ hoạt động dựa trên những dữ liệu được cung cấp sẵn. Nhà nghiên cứu AI Shira Eisenberg, người sáng lập công ty khởi nghiệp Stealth AI, Mỹ cho rằng, trong tương lai, các mô hình AI có thể được đào tạo để cung cấp những lời khuyên mang tính thần học hoặc tâm linh cá nhân hóa hơn.
Tuy nhiên, bà nhận định điều này cũng đặt ra câu hỏi về tính chính xác và đạo đức. Liệu AI có thực sự phân tích được vận mệnh, hay chỉ đơn giản là đưa ra những câu trả lời dựa trên thuật toán và mẫu câu có sẵn?
Báo Daily Star từng thử nghiệm một trang web bói bài tarot AI với câu hỏi “Làm sao biết khi nào là thời điểm thích hợp để lập gia đình?”. AI trả về lá bài Eight of Wands, mang ý nghĩa về hành động và thay đổi nhanh chóng, kèm theo một lời giải thích khá chung chung: “Khi đến thời điểm thích hợp, mọi chuyện sẽ tự nhiên diễn ra”.

Một số phần mềm xem bói tích hợp AI. (Ảnh chụp màn hình)
Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California tại Davis, Mỹ, nhận định: "AI chỉ phân tích dựa trên dữ liệu lập trình sẵn, không thể hiểu sâu sắc cảm xúc hay hoàn cảnh của mỗi người. Nếu tin tưởng mù quáng vào những dự đoán này, người trẻ sẽ trở nên phụ thuộc, mất đi khả năng tự quyết định.
Vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là cách chúng ta tiếp nhận những dự đoán này. Dù AI có thể đưa ra những lời khuyên hợp lý, nhưng cuối cùng, cuộc đời mỗi người vẫn phụ thuộc vào quyết định và hành động của chính cá nhân đó. Hãy sử dụng các phần mềm này như một công cụ giải trí, thay vì là một kim chỉ nam cho cuộc sống", thạc sĩ cho biết thêm.