Bơi ở sông lớn

Rằng có câu 'cửa miệng' dành cho bóng đá nói chung và thể thao Việt Nam nói riêng, đấu trường SEA Games như 'ao làng', ASIAD được ví với 'sông lớn' và Olympic là 'biển cả'. Nói vậy xem chừng vẫn không… ngoa. Cứ thử mà xem. Mới đây nhất là SEA Games 32, thể thao Việt Nam đứng đầu với 355 tấm huy chương, trong đó có 136 huy chương vàng. Cũng cách nay không lâu là ASIAD 18, tổng số huy chương của đoàn thể thao Việt Nam là 39 chiếc, trong đó huy chương vàng chỉ vẻn vẹn có 5 chiếc. Còn lần này chỉ tiêu 'vàng' cũng chỉ khiêm tốn từ 2 - 5 huy chương.

 Niềm vui của Nguyễn Thị Oanh khi hoàn tất giành 4 Huy chương Vàng SEA Games 32. Ảnh: qdnd.vn

Niềm vui của Nguyễn Thị Oanh khi hoàn tất giành 4 Huy chương Vàng SEA Games 32. Ảnh: qdnd.vn

Tại SEA Games 32, chỉ một mình vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh đã có đến 4 tấm huy chương vàng. Còn kỷ lục SEA Games mà vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên ở SEA Games 2017 là 8 tấm huy chương vàng. Một mình 2 cô gái này cũng đã dư sức “cân” huy chương vàng cho cả đoàn thể thao Việt Nam tại một kỳ ASIAD. Có người băn khoăn, tại sao mục tiêu phấn đấu lại khiêm tốn đến thế? Câu trả lời khá rõ ràng khi đây là sân chơi lớn với những “đại gia” như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Còn nữa là những vấn đề xuất phát từ thực tiễn. Không phải lúc nào cũng thuận lợi và theo ý muốn của ta.

Ví như, trong số 5 huy chương vàng của đoàn Việt Nam tại ASIAD 18 có 2 điền kinh, 2 pencak silat và 1 chèo thuyền. Tại ASIAD kỳ này, chủ nhà Trung Quốc không đưa pencak silat vào môn thi đấu. Thế là, bỗng dưng mất đi 2 niềm hy vọng vàng. Chưa kể, đương kim huy chương vàng điền kinh Quách Thị Lan bị đối thủ Malaysia vượt xa tại SEA Games vừa qua. Còn ở nhảy xa, vận động viên Bùi Thị Thu Thảo sa sút, chỉ giành huy chương SEA Games 32 với thành tích mới nhất là 6,13m. Nghĩa là, khó có thể lập lại được thành tích cũ đã giành được.

Những niềm hy vọng huy chương tại ASIAD 19 của thể thao Việt Nam chỉ đếm đầu ngón tay. Mới đây, đội chạy tiếp sức 4x400m nữ vượt qua nhiều đối thủ mạnh, như: Nhật Bản, Sri Lanka, Ấn Độ, Hồng Kông (Trung Quốc), Uzbekistan, Maldives để giành huy chương vàng tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2023 mở ra hy vọng huy chương vàng tại ASIAD 19. Ở môn bơi, Nguyễn Huy Hoàng niềm hy vọng số một. Và ở một số nội dung khác như đua thuyền, karatedo, taekwondo, cờ vua, Việt Nam cũng có hy vọng giành huy chương vàng, nhưng được dự báo là cực kỳ khó khăn.

“Bơi ở sông lớn” lắm thác ghềnh, cá to và sóng lớn là chuyện bình thường. Nó đòi hỏi phải tự biết mình là ai, sự nỗ lực vượt khó để vươn lên. Thế nhưng, như quy luật của cuộc đời, đã hiếm lại khó thì càng quý. Tại buổi lễ xuất quân, ông Đặng Hà Việt, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 19 khẳng định, mỗi thành viên là một đại sứ văn hóa, góp phần giữ vững và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác và phát triển với các quốc gia trong châu lục.

Có thể nói, vượt lên trên những khoản tiền thưởng “khủng”, đó là vinh dự khó thể đong đếm được dành cho những vận động viên tham dự ASIAD 19 giành những tấm huy chương về cho Tổ quốc.

Đình Nam

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-thao/boi-o-song-lon-132136.html
Zalo