Bồi đắp tình yêu biển, đảo Tổ quốc cho cán bộ, nhân dân biên giới
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển, đảo luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh- quốc phòng. Vì vậy, công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển, đảo chính là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân đối với chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới, thời gian qua, các đơn vị BĐBP đã triển khai đồng bộ các nội dung, biện pháp tuyên truyền về biển đảo, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, mang lại hiệu quả thiết thực.
Vai trò của biển, đảo
Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản và các văn bản pháp luật về biển, đảo của Nhà nước ta và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), những cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo trên Biển Đông, những văn bản pháp lý về biển, đảo Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng, các nước có liên quan. Tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia có biển, đã góp phần làm cho nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ về vị trí chiến lược của biển, đảo từng bước được nâng cao.
Để tiếp tục phát huy các tiềm năng của biển, đảo nước ta trong thế kỷ XXI, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bảo chỉ đạo và quy định liên quan đến biển, đảo như: Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh “Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương”; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 44-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 139/2024/QH 15 ngày 28/6/2024 của Quốc hội về “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050"...
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chiến lược biển, đảo, cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân nên trong những năm qua, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng như: Kinh tế biển, ven biển được quan tâm đầu tư, phát triển theo hướng khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên biển kết hợp phát triển lâm nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản gắn phát triển nuôi trồng với nâng cao hiệu quả khai thác đánh bắt, tăng nhanh các ngành dịch vụ, du lịch, kết hợp phát triển kinh tế biển bền vững với đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biển, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thế đứng chân ổn định, vững chắc, sẵn sàng đối phó với các tình huống phức tạp xảy ra trên biển, xây dựng hệ thống nhà ở, tường, kè chống xói lở trên các đảo thuộc quần đảo.
Đa dạng, phong phú, hiệu quả các hình thức tuyên truyền
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền đối với sự nghiệp bảo vệ và giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển, đảo, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng bộ đến BĐBP các tỉnh, thành có biển các nội dung và biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo chặt chẽ, thống nhất.
Với tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng quyết tâm chính trị và nỗ lực lớn, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành ven biển phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc các tỉnh, thành ủy ven biển để triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền biển, đảo và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt và hiệu quả như: kết hợp giữa tuyên truyền thường xuyên với tuyên truyền đột xuất theo chuyên đề; tuyên truyền rộng rãi với tuyên truyền riêng lẻ; kết hợp việc thực hiện nhiệm vụ với công tác tuyên truyền, giáo dục, trong đó, lấy công tác tuyên truyền miệng là chính, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo; ý thức chấp hành và thực thi pháp luật của cán bộ và nhân dân. Điển hình là tổ chức tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài cho các chủ tàu cá, thuyền trưởng “có nguy cơ cao” tại các hội trường, âu tàu, cảng cá; sử dụng xuồng công tác để cơ động, trực tiếp tuyên truyền trên biển và tại các xã đảo; tuyên truyền qua các nền tảng truyền thông xã hội trên không gian mạng và hệ thống thông tin công cộng, nội bộ địa phương...
Song song với đó, tuổi trẻ các đơn vị BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên các địa phương, các chi đoàn kết nghĩa xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên địa bàn xã, phường, thị trấn, trường học, địa phương ven biển, kết hợp với các hoạt động an sinh xã hội như “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” nhằm ra quân làm vệ sinh bờ biển. Các chương trình đã thu hút sự tham gia của hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, học sinh.
Cùng với đó, lực lượng đoàn viên thanh niên thuộc BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển còn tập trung xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả các Tổ tư vấn pháp luật như “Cụm dân cư an toàn”, Tổ tàu thuyền an toàn”, “Tổ tàu thuyền đoàn kết”, “Tổ an ninh trật tự trên biển”, “Bến bãi tàu thuyền tự quản”... Thông qua đó thực hiện tuyên truyền những nội dung pháp luật cụ thể, sát với đời sống, giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các đơn vị BĐBP sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo. Trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; phạm vi, chế độ pháp lý, phân định vùng biển Việt Nam với các nước; nội dung cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam cũng như Luật Cảnh sát biển Việt Nam... Từ những hoạt động đó, không ngừng bồi đắp tinh thần yêu nước, tình yêu biển, đảo và nhận thức, nghĩa vụ, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.