BoE cảnh giác với rủi ro từ đồng USD trong bối cảnh toàn cầu bất định

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vừa đề nghị một số tổ chức tín dụng đánh giá khả năng chống chịu trước các rủi ro liên quan đến đồng USD - đồng tiền trung tâm trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Đồng đôla Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng đôla Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) mới đây đã đề nghị một số tổ chức tín dụng tại nước này tiến hành đánh giá khả năng chống chịu trước các rủi ro liên quan đến đồng USD - đồng tiền đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tài chính toàn cầu. Thông tin do ba nguồn thạo tin chia sẻ với hãng tin Reuters (Anh).
Theo các nguồn tin, yêu cầu này phản ánh sự thận trọng ngày càng gia tăng của các ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính, trong bối cảnh môi trường địa chính trị và chính sách kinh tế có nhiều biến động, đặc biệt là tại Mỹ – nơi đồng USD vẫn giữ vai trò chủ chốt trong các hoạt động thương mại và luồng vốn quốc tế.

Một trong các nguồn tin cho biết, BoE – thông qua cơ quan giám sát trực thuộc là Cơ quan Quản lý Cẩn trọng (PRA) – đã gửi đề nghị riêng đến một số ngân hàng hoạt động tại trung tâm tài chính London, yêu cầu đánh giá kế hoạch huy động vốn bằng đồng USD, cũng như mức độ phụ thuộc vào nguồn tài chính bằng đồng tiền này, kể cả trong ngắn hạn.
Trong một trường hợp cụ thể, một ngân hàng quốc tế có trụ sở tại Anh đã được yêu cầu thực hiện các bài kiểm tra nội bộ, giả định cả những kịch bản cực đoan như việc thị trường hoán đổi USD – vốn là kênh thanh khoản quan trọng – tạm thời ngưng hoạt động.
BoE từ chối bình luận về thông tin trên. Đại diện của một số ngân hàng lớn có hoạt động quốc tế tại Anh, như Barclays, HSBC và Standard Chartered, cũng không đưa ra phản hồi.
Trước đó, các cơ quan giám sát thuộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra yêu cầu tương tự đối với một số ngân hàng trong khu vực. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng đã cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt thanh khoản bằng ngoại tệ vào tháng 6/2025.
Đồng USD từ lâu được xem là “huyết mạch” của hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, một số thay đổi trong chính sách điều hành của Nhà Trắng gần đây đang khiến giới chức tài chính tại châu Âu cân nhắc lại mức độ phụ thuộc vào nguồn tài chính bằng USD, đặc biệt trong bối cảnh có những lo ngại về tính ổn định của các cơ chế hỗ trợ khẩn cấp bằng đồng tiền này trong trường hợp khủng hoảng xảy ra.
Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh London và là cựu Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Khoa học của Ủy ban Rủi ro Hệ thống châu Âu, Richard Portes, nhận định rằng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng thanh khoản toàn cầu liên quan đến đồng USD, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc cung cấp các đường hoán đổi USD, do lo ngại phản ứng từ chính giới.
Thị trường hoán đổi tiền tệ – nơi các tổ chức tài chính trao đổi đồng nội tệ lấy USD để phục vụ nhu cầu thanh khoản – hiện là một cấu phần thiết yếu của hệ thống tài chính quốc tế. Theo thống kê của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tính đến cuối năm 2024, giá trị danh nghĩa của các hợp đồng phái sinh tiền tệ toàn cầu đạt 130.000 tỷ USD, trong đó khoảng 90% liên quan đến đồng USD. Mỗi ngày, thị trường ghi nhận khoảng 4.000 tỷ USD giá trị hợp đồng hoán đổi mới.
Mặc dù các ngân hàng có thể sử dụng tiền gửi bằng USD để bù đắp tạm thời thiếu hụt thanh khoản, nhưng các cơ quan giám sát vẫn cảnh báo rằng hệ thống tài chính quốc tế hiện vẫn tồn tại những rủi ro đáng kể nếu nguồn cung USD gặp gián đoạn.
Ông Robert McCauley – cựu cố vấn cấp cao tại BIS và từng làm việc tại Fed chi nhánh New York – cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã cho thấy rõ mức độ phụ thuộc của các ngân hàng vào việc huy động hàng trăm tỷ USD trong ngắn hạn. Kể từ đó, các ngân hàng tại Anh và châu Âu đã thu hẹp quy mô tiếp xúc với USD, nhưng rủi ro từ sự gián đoạn trong kênh huy động đồng tiền này vẫn tồn tại.
Hiện tại, Fed vẫn duy trì các cơ chế hoán đổi tiền tệ với ECB, BoE và một số ngân hàng trung ương lớn khác nhằm đảm bảo nguồn cung USD khi cần thiết, cũng như hạn chế lan tỏa rủi ro từ thị trường tài chính toàn cầu vào hiện trạng nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, giới chức châu Âu đang theo dõi sát và đánh giá lại mức độ sẵn sàng hỗ trợ của đối tác Mỹ trong các tình huống rủi ro.

Diệu Linh/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/boe-canh-giac-voi-rui-ro-tu-dong-usd-trong-boi-canh-toan-cau-bat-dinh/381030.html
Zalo