'Bóc trần' công xưởng sản xuất 'khí cười'
Nhiều cơ sở sản xuất khí N2O (khí cười) quy mô lớn, điều hành bởi những cá nhân có trình độ, chuyên môn vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá.

Xưởng sản xuất 'khí cười' được đầu tư máy móc hiện đại.
Quy mô toàn quốc, thu lợi hàng tỷ đồng/tháng
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ, Công an tỉnh, các Cục nghiệp vụ, Bộ Công an và Công an nhiều địa phương tổ chức đấu tranh, triệt xóa một đường dây sản xuất, buôn bán khí Nito ô xít N2O, hay còn được gọi là “khí cười” với quy mô rất lớn.
Đường dây này có quy mô rộng khắp toàn quốc, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh… với phương thức thủ đoạn rất tinh vi, tính chất phức tạp và đặc biệt nghiêm trọng.
Khu nhà xưởng rộng 700 mét vuông ở thôn 7, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội vốn được đăng ký là nơi sản xuất tấm nhựa. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ, từ tháng 12/2024, chủ cơ sở ký hợp đồng cho Đinh Tuấn Anh (SN 1992, thường trú tại Hà Nội) thuê lại một nửa diện tích nhà xưởng với mục đích là sản xuất khí carbon dioxide CO2, phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm.
Chỉ đến khi lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa ập vào, bắt quả tang và thu giữ trang thiết bị máy móc, chủ cơ sở mới biết thực chất đây là xưởng sản xuất khí cấm N2O.
Trên danh nghĩa là người đứng ra ký hợp đồng thuê nhà xưởng, Tuấn Anh trực tiếp vận hành dây chuyền sản xuất, quản lý, ghi và chấm công cho công nhân. Tuy nhiên, đứng sau người này là Nguyễn Bảo Lộc (SN 1984, trú tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - chủ xưởng điều hành và chỉ đạo.
Cơ sở này sản xuất được khoảng 1.000kg khí N2O, bán ra thị trường với giá 300.000đ/kg, thu được khoảng 120 triệu đồng/ngày (trừ chi phí mỗi ngày thu lợi khoảng 30 triệu đồng). Chỉ tính từ tháng 3/2025 đến khi bị bắt, chúng đã sản xuất được khoảng 50 tấn khí N2O, bán ra thị trường tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố và thu lợi ước tính trên 4,5 tỷ đồng.
Nguyễn Bảo Lộc cũng là chủ của một cơ sở sản xuất khác ở thôn Xuân Sen, xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ, Hà Nội), tuy nhiên, cơ sở này chưa đi vào hoạt động. Tại đây, lực lượng chức năng cũng thu giữ toàn bộ hệ thống máy móc sản xuất khí N2O đang trong quá trình lắp ráp, hoàn thiện.
Cùng thời điểm, cảnh sát cũng ập vào khám xét một nhà xưởng ở thôn Mùi, xã Bích Hòa (Thanh Oai, Hà Nội), thu giữ khoảng 12 tấn nguyên liệu dùng để sản xuất “khí cười”.
Hoạt động tại cơ sở này do Lương Thái Linh cùng Nguyễn Ngọc Bình (SN 1992) trú tại xã Bích Hòa (Thanh Oai, Hà Nội) và Tô Thế Minh Trí (SN 1993) ở xã Đồng Văn (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cùng góp vốn mua máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu để vận hành, tự sản xuất khí N2O bán ra thị trường.
Xưởng sản xuất được những người này thuê từ cuối năm 2024, bắt đầu lắp đặt máy móc từ tháng 1/2025 và đưa vào vận hành, sản xuất chính thức từ đầu tháng 3/2025. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất được khoảng 400kg khí N2O, bán ra thị trường với giá 300.000đ/kg, thu được khoảng 120 triệu đồng/ngày (trừ chi phí mỗi ngày các đối tượng thu lợi khoảng 30 triệu đồng).
Chỉ tính từ tháng 3/2025 đến nay, nhóm này đã sản xuất được khoảng 15 tấn khí N2O bán ra thị trường tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố và thu lợi ước tính trên 2 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng thu giữ hàng trăm bình khí N2O.
Nhiều người có trình độ học vấn cao
Kết quả điều tra cho thấy, đây là đường dây sản xuất, mua bán khí N2O với số lượng rất lớn, hoạt động có tổ chức, có sự phân công nhiệm vụ, vai trò và chia lợi nhuận cụ thể.
Hoạt động sản xuất, mua bán diễn ra trong thời gian dài với sự tham gia của nhiều người ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có những người có trình độ học vấn cao và có chuyên môn về hóa học, cơ khí, kỹ thuật, máy móc. Địa điểm nhà xưởng được các đối tượng thuê mặc dù ở gần khu dân cư nhưng được ngụy trang che dấu và hoạt động khép kín.
Quá trình sản xuất thường diễn ra vào ban đêm và sẽ thay đổi địa điểm sản xuất khi có dấu hiệu bị lộ. Phương thức giao dịch của các nhóm người này được thực hiện trực tiếp bằng tiền mặt, có sự liên lạc trao đổi với nhau qua các ứng dụng mạng xã hội như Telegram, Singal và thường thay đổi điện thoại và di chuyển nơi ở để tránh sự truy xét của Cơ quan Công an.
Thượng tá Trịnh Văn Phú - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Những người này đã chia nhỏ công đoạn sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu từ đơn vị chính ngạch, đem về nhà xưởng điều chế và móc nối tiêu thụ sản phẩm.
Mỗi người phụ trách từng công đoạn không quen biết nhau, không rõ đối phương dùng để làm gì, dùng các phương thức liên lạc như trên mạng xã hội, các nền tảng bảo mật cao, xóa tin nhắn để tránh điều tra”.
Trong chuyên án này, hiện nay, ngoài việc khởi tố, tạm giam, tạm giữ 11 người để điều tra làm rõ tội danh “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” và “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa vẫn đang triệu tập, làm việc với hàng chục người khác có liên quan.
Tổng số vật chứng Cơ quan Công an thu giữ được trong chuyên án này gồm 373 bình khí N2O, 477 vỏ bình dùng để chứa khí N2O; tạm giữ 27 tấn và lưu trữ tập trung 110 tấn nguyên liệu sản xuất để xác minh nguồn gốc xuất xứ; 3 hệ thống dây chuyền máy móc dùng để sản xuất khí cấm. Tính sơ bộ từ tháng 3/2025 đến khi bị bắt, nhóm đối tượng đã sản xuất khoảng 65 tấn khí N2O, thu lợi bất chính trên 6,5 tỷ đồng.