Bóc tách lợi nhuận quí 1 của các ngân hàng
Báo cáo tài chính quí 1-2025 được công bố vào cuối tháng 4 đã phác họa một bức tranh mới về hiệu quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm nay.

OCB ghi nhận kết quả kém khả quan do giảm mạnh thu nhập phi lãi. Ảnh: LÊ VŨ
Dựa trên số liệu đã công bố, mức tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quí 1-2025 không còn vượt trội như giai đoạn trước, nhưng tình hình kiểm soát nợ xấu đã tốt hơn nhiều.
Bức tranh lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng quí 1-2025
Lợi nhuận trước thuế lũy kế quí 1-2025 của 27 ngân hàng niêm yết đạt 82.530 tỉ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, tốc độ tăng thu nhập lãi toàn ngành chỉ đạt 6,5% và thu nhập dịch vụ giảm 3%, cho thấy hiệu quả từ việc kiểm soát chi phí - đặc biệt là chi phí trích lập dự phòng và quản trị chi phí hoạt động, đóng vai trò quan trọng trong kết quả kinh doanh quí này. Có 14/27 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trung bình của ngành, trong khi sáu ngân hàng sụt giảm lợi nhuận, tuy nhiên phần lớn các ngân hàng đó lại là các ngân hàng quy mô lớn.
Động lực tăng trưởng chính của ngành đến từ dư nợ, tăng 20% so với cùng kỳ và 3,8% so với cuối năm 2024. Tuy nhiên, biên lãi thuần (NIM) tiếp tục bị bào mòn khi thu nhập lãi chỉ tăng 8,6% trong khi chi phí tăng tới 10,6%. Về cơ cấu lợi nhuận, thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi lần lượt đạt 129.180 tỉ đồng và 35.940 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 6,5% và 20,7% so với cùng kỳ. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ giữ vai trò chủ lực trong nguồn thu phi lãi với 14.450 tỉ đồng. Xét về tốc độ tăng trưởng, các khoản thu từ hoạt động khác và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần ghi nhận mức tăng đột biến lần lượt là 151% và 1.231%. Dù vậy, các khoản thu nhập cốt lõi - bao gồm thu nhập lãi thuần và dịch vụ - lại cho thấy dấu hiệu chững lại, đặc biệt thu nhập từ hoạt động dịch vụ sụt giảm 3% so với cùng kỳ và các ngân hàng đang phải rất chật vật để duy trì mức lợi nhuận.
Báo cáo tài chính quí 1-2025 cho thấy lợi nhuận trước thuế của nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng dương, song mức độ phân hóa giữa các nhóm ngân hàng là rất lớn, đặc biệt là giữa các ngân hàng quy mô lớn và các ngân hàng quy mô nhỏ. Nhóm ngân hàng gốc quốc doanh cho thấy sự ổn định nhưng thiếu đột phá.
Trong bối cảnh nguồn thu khó tăng trưởng thì việc kiểm soát tốt chi phí đóng vai trò quan trọng để duy trì mức lợi nhuận mục tiêu của các ngân hàng. Tổng chi phí hoạt động toàn ngành là 51.720 tỉ đồng, chỉ tăng 8,4% so với cùng kỳ, thể hiện nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc cắt giảm các chi phí hoạt động. Đóng góp tích cực nhất cho lợi nhuận phải kể đến việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ còn 30.870 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Điều này phản ánh áp lực trích lập dự phòng rủi ro trong toàn ngành đã hạ nhiệt so với giai đoạn hai năm trước.
Một yếu tố nữa cũng đóng góp rất đáng kể vào mức tăng trưởng của lợi nhuận trước thuế, đó là lợi nhuận từ hoạt động khác 8.600 tỉ đồng và thu nhập từ hoạt động góp vốn tăng hơn chục lần. Tổng hợp phần đóng góp này có thể đã góp phần vào tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 5-7%. Nếu loại trừ những khoản bất thường này thì lợi nhuận trước thuế ước tính sẽ chỉ tăng khoảng 7-8%. Đó sẽ là những áp lực lớn cho mức lợi nhuận của các quí tiếp theo trong năm.
Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng quí 1-2025

Báo cáo tài chính quí 1-2025 cho thấy lợi nhuận trước thuế của nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng dương, song mức độ phân hóa giữa các nhóm ngân hàng là rất lớn, đặc biệt là giữa các ngân hàng quy mô lớn và các ngân hàng quy mô nhỏ. Nhóm ngân hàng gốc quốc doanh cho thấy sự ổn định nhưng thiếu đột phá. VCB dẫn đầu với 10.860 tỉ đồng lợi nhuận nhờ tăng mạnh thu nhập từ kinh doanh ngoại hối và giảm chi phí dự phòng, dù thu nhập lãi và thu nhập dịch vụ sụt giảm. BID đi ngang về lợi nhuận, áp lực kiểm soát chi phí hoạt động và dự phòng vẫn hiện hữu. Trong khi đó, CTG có kết quả tích cực hơn khi các mảng thu nhập phi lãi như chứng khoán kinh doanh, góp vốn và hoạt động khác tăng trưởng mạnh (trên 100%), đóng góp khoảng 12% tổng thu nhập.
Nhóm chuyên cho vay doanh nghiệp tăng trưởng tốt hơn hẳn nhóm chuyên cho vay cá nhân, một phần nhờ tốc độ tăng chi phí đầu vào thấp. Trong đó, MBB là điểm sáng với lợi nhuận tăng 45%, được hỗ trợ bởi tăng trưởng mạnh thu nhập lãi thuần và kiểm soát chi phí lãi tốt nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao. SHB và SSB cũng ghi nhận kết quả tích cực, đặc biệt SSB có mức tăng trưởng 189% do trong kỳ ghi nhận 2.600 tỉ đồng từ việc bán Công ty Tài chính PTF với tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng là 4.300 tỉ đồng. Trong khi đó, OCB và TCB ghi nhận kết quả kém khả quan do giảm mạnh thu nhập phi lãi, đặc biệt TCB giảm cả ở thu nhập lãi và dịch vụ dù có lợi thế CASA.

Nhóm ngân hàng chuyên cho vay cá nhân ghi nhận sự phục hồi, nhưng vẫn chịu áp lực từ chi phí huy động tăng cao. VPB và STB đạt kết quả khả quan nhờ tăng trưởng mạnh thu nhập lãi thuần, trong khi TPBank dù thu nhập lãi giảm nhẹ nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng 15% nhờ cắt giảm đáng kể chi phí dự phòng. Ngược lại, một số ngân hàng lớn như ACB và VIB cho thấy dấu hiệu suy yếu khi lợi nhuận giảm lần lượt là 7% và 3%, phản ánh áp lực biên lãi ròng do chi phí lãi tăng nhanh hơn thu nhập lãi.
Nhóm ngân hàng quy mô nhỏ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu nhờ đà tăng mạnh của thu nhập lãi thuần. Điều này cho thấy chính sách cho vay của nhóm có sự linh hoạt hơn, tốc độ tăng thu nhập lãi tương đương chi phí lãi (dù chi phí lãi tăng hơn 12%), song áp lực từ chi phí dự phòng vẫn là yếu tố đáng lưu ý. ABB và VBB có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ nền lợi nhuận thấp của cùng kỳ và thu nhập lãi cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, sự biến động trong nhóm cũng thể hiện rõ, NVB giảm mạnh lợi nhuận trước thuế do chi phí dự phòng tăng đột biến, trong khi BVB cải thiện lợi nhuận nhờ giảm trích lập dự phòng so với cùng kỳ.
Một điểm rất đáng lưu ý từ xu hướng trên đó là trong bối cảnh các ngân hàng quy mô lớn gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng thì các ngân hàng quy mô nhỏ, do giải ngân tín dụng tốt từ quí 2-2024, nên thu nhập hoạt động tín dụng của các ngân hàng này đã tăng vọt, kết hợp với mức tăng trưởng tín dụng tốt và NIM cũng được cải thiện.
(*) CFA
(**) Wiresearch