Bóc tách động lực tăng trưởng: Dư địa nằm ở khu vực tư nhân
Trong kịch bản tăng trưởng ít nhất 8% của năm 2025, khu vực kinh tế tư nhân đang được kỳ vọng đóng góp 96 tỷ USD trong 174 tỷ USD tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, con số còn có thể cao hơn.
![Hòa Phát cam kết tăng trưởng không dưới 15% trong vòng 5 năm tới. Trong ảnh: Nhà máy Thép Dung Quất Hòa Phát](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_72_51482047/5b6de281d1cf389161de.jpg)
Hòa Phát cam kết tăng trưởng không dưới 15% trong vòng 5 năm tới. Trong ảnh: Nhà máy Thép Dung Quất Hòa Phát
Tính đếm tăng trưởng
Mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025 của nền kinh tế không chỉ dừng lại trong các kịch bản tại tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ tại Kỳ họp bất thường thứ chín, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn của khu vực tư nhân mà các doanh nghiệp lớn vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ khởi động hoặc tăng tốc đầu tư trong năm nay chắc chắn sẽ đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP của năm nay và những năm tới.
Có thể nhắc tới Thaco với kế hoạch khởi công khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương quy mô hơn 700 ha vào tháng 9/2025. Tập đoàn T&T một mặt đợi Hà Nội hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư Dự án đường vành đai 4 mà doanh nghiệp đã đăng ký tham gia, mặt khác đang thúc đẩy đầu tư 2 dự án điện khí công suất 3.000 MW, thi công 1 dự án điện gió tại Lào vừa M&A với giá trị khoảng 600 triệu USD, hợp tác với Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đầu tư Tổ hợp khí sản xuất hydrogen xanh và thu hồi khí thải carbon…
Tập đoàn BRG cũng cam kết tiến độ Dự án Xây dựng thành phố thông minh Bắc Hà Nội, quy mô 4,2 tỷ USD… Đó là chưa kể các dự án mà nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch đầu tư, như Hòa Phát với nhà máy sản xuất ray có tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghệ CMC với kế hoạch đầu tư khoảng 700 triệu đến 1 tỷ USD trong vòng 10 năm tới…
Như vậy, phần đóng góp vào tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp tư nhân rất rõ ràng và có thể tính đếm cụ thể. Một số doanh nghiệp lớn còn chủ động đăng ký mức tăng trưởng để Chính phủ có thêm căn cứ tính toán, như Hòa Phát cam kết tăng trưởng không dưới 15% trong vòng 5 năm tới, Tập đoàn BRG xác định mức tăng trưởng 8,8% trong năm nay…
Tất nhiên, việc chuyển từ kế hoạch sang thực tiễn để có được từng điểm tăng trưởng không dễ dàng, song Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt để đảm bảo mọi việc thuận lợi nhất có thể. Thậm chí, trong nhiệm vụ tới đây của một số bộ, ngành, đã có thêm đầu mục làm việc với tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân để triển khai các nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước.
Cụ thể, trong Hội nghị của Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn làm việc với các doanh nghiệp, như Bộ Giao thông - Vận tải sẽ trao đổi, bàn bạc để cam kết với Hòa Phát về đầu tư sản xuất đường ray, với Thaco về toa tàu, với Đèo Cả, Xuân Trường về đào hầm, làm đường trong dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao.
“Các cam kết này phải trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, người dân, không có tiêu cực, tham nhũng”, Thủ tướng nhấn mạnh. Cùng với đó, Thủ tướng cam kết rà soát lại việc thực thi cơ chế, chính sách, đảm bảo xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp…
Dư địa chính sách
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt kỳ vọng nhiều hơn ở động lực tăng trưởng chính là khu vực kinh tế tư nhân mà Chính phủ đang xác định.
Cũng phải nói rõ, với kịch bản trình Quốc hội, các động lực tăng trưởng được bóc tách chi tiết. Riêng tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP, cao hơn kịch bản tăng trưởng 6,5-7%, phấn đấu 7,5% đã báo cáo là 3 tỷ USD. Cụ thể, vốn đầu tư công khoảng 36 tỷ USD, tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 (790.700 tỷ đồng).
Nếu khu vực kinh tế trong nước phục hồi như trước dịch Covid-19 và Nhà nước có những chính sách khuyến khích sản xuất, tăng thu nhập và tăng tiêu dùng dân cư, thì dù điều kiện bên ngoài không thuận bằng năm 2024, xuất khẩu và công nghiệp gắn với xuất khẩu khó còn là “cứu cánh”, thì kịch bản tăng trưởng 8% là khả thi.
- TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD. Đầu tư của khu vực đầu tư nước ngoài vẫn giữ như kế hoạch là khoảng 28 tỷ USD. Các khoản đầu tư khác là 14 tỷ USD. Như vậy, chỉ tính riêng vốn đầu tư khu vực tư nhân, so với kết quả thực hiện năm 2024 là hơn 2 triệu tỷ đồng, mức tăng được kỳ vọng là khoảng 11%.
Vấn đề là, theo ông Cung, dù con số 11% khá cao so với mức tăng 7,7% của đầu tư tư nhân năm 2024, song vẫn thấp hơn đáng kể so với các năm trước. Cụ thể, giai đoạn 2014-2019, thời điểm trước dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng bình quân vốn đầu tư tư nhân là 14%. Vì vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP tối thiểu là 8% trong năm 2025, quan trọng là chuẩn bị nền tảng cho giai đoạn tới, vốn đầu tư tư nhân cần trở lại mức tăng tối thiểu là 14%.
“Dư địa để đạt được mức tăng này là có và còn lớn”, ông Cung khẳng định khi cho rằng, giải pháp nằm ở việc thấm nhuần và thực thi đầy đủ, nhất quán chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc “cần phát huy sức mạnh từ nhân dân và mọi thành phần kinh tế bằng cách… xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu”.
Trước mắt và có thể làm ngay, ông Cung đề xuất, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt, đầy đủ và nhất quán Nghị quyết 02/2025/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh trên thực tế, không phải chỉ trên văn bản, giấy tờ và trong các báo cáo hội nghị. Cụ thể là giải quyết các vướng mắc, rào cản, chồng chéo, trùng lặp… trong các văn bản pháp luật, những thủ tục hành chính phức tạp, tốn kém, gây cản trở, làm ách tắc đối với hoạt động đầu tư kinh doanh cần được thực hiện và báo cáo kết quả đạt được hàng tháng.
“Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân lớn đều nhắc đến sự chậm trễ, khó khăn trong thủ tục hành chính, làm nản lòng các nhà đầu tư, chỉ cần đơn giản hóa ngay, bỏ ngay, các dự án ách tắc sẽ sống lại ngay”, ông Cung khẳng định.
Đặc biệt, ông nhắc đến đề xuất giao đất không thu tiền thuê đất cho nhà đầu tư phát triển khu công nghiệp có kinh nghiệm, có uy tín để xây dựng các khu công nghiệp chỉ dành cho các nhà đầu tư trong nước. Mục tiêu là hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận mặt bằng sản xuất công nghiệp với chi phí chấp nhận được. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy xây dựng, phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp dẫn dắt đang tiên phong, nhưng chưa đủ sức đẩy mạnh.