Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế và bệnh viện rà soát thuốc giả
Cục Quản lý Dược gửi các Sở Y tế cảnh báo thuốc giả, thuốc lưu hành trái phép trên thị trường và yêu cầu các bệnh viện rà soát.
Trao đổi với VietTimes chiều 19/4, ông Tạ Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược – cho biết trong số 21 sản phẩm thuốc giả vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ, có 4 loại giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion.
Các sản phẩm còn lại không nằm trong danh mục đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành.

Công an Thanh Hóa thu giữ 21 loại thuốc giả
Công bố danh sách thuốc giả
Vì thế, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Y tế các ngành khẩn trương thông báo đến các cơ sở kinh doanh, cơ sở sử dụng thuốc không được kinh doanh, buôn bán, sử dụng các sản phẩm giả sau:
- Viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16, Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
- Viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17, Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
- Viên nén Pharcoter (Codein base 10mg; Terpin hydrat 100mg), Số đăng ký: VD-14429-11, Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco), đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
- Sản phẩm giả thuốc Neo-Codion (thuốc Neo-Codion được Bộ Y tế cấp phép lưu hành với các thông tin sau: Số giấy phép lưu hành: 300111082223 (SĐK cũ: VN-18966-15); Hoạt chất: Codein base (dưới dạng Codein camphosulfonat 25mg) 14,93mg; Sulfogaiacol 100mg; Cao mềm Grindelia 20mg; Dạng bào chế: Viên nén bao đường; Đóng gói: Hộp 2 vỉ x 10 viên; Nhà sản xuất: Công ty Sophartex (Pháp), địa chỉ: 21, rue du Pressoir, Vernouillet, 28500).
- 16 sản không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành, gồm:

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các Sở Y tế thực hiện nghiêm Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, các công văn chỉ đạo của Bộ Y tế và của Cục Quản lý Dượcvề việc tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Hàng chục nghìn hộp thuốc giả được Công an Thanh Hóa thu giữ
Yêu cầu các bệnh viện rà soát hoạt động cung ứng thuốc
Đặc biệt, Cục Quản lý Dược yêu cầu các Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát lại quy trình mua thuốc, cung ứng thuốc và tình hình cung ứng thuốc trong thời gian qua; bảo đảm thuốc được cung ứng là thuốc đã được cấp giấy phép lưu hành và cung ứng bởi các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có hóa đơn chứng từ đầy đủ.
Trường hợp phát hiện thuốc có dấu hiệu nghi ngờ thuốc giả, thuốc chưa được cấp phép lưu hành, lập tức niêm phong, không tiếp tục sử dụng thuốc và báo cáo cơ quan quản lý y tế, cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Các Sở Y tế cũng cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng các thuốc giả trên; chỉ mua bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp; không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc; thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tới cơ quan y tế và cơ quan có chức năng.
Các Sở Y tế phải chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc trên địa bàn, chú trọng kiểm tra nguồn gốc thuốc do các cơ sở kinh doanh, sử dụng; hỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn với các thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng.
Ông Tạ Mạnh Hùng cũng cho biết bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược yêu cầu các Sở Y tế thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn; báo cáo Ban Chỉ đạo 389 địa phương và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, điều tra, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc các thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.