Bộ Y tế vào cuộc vụ tự ý lấy máu xét nghiệm HIV của học sinh

Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu báo cáo, làm rõ vụ việc nhóm 'Bông hồng đen' tổ chức lấy máu, xét nghiệm máu của học sinh THCS tại Hải Phòng.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế Hải Phòng và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hải Phòng yêu cầu báo cáo thông tin nhóm cộng đồng "Bông hồng đen" triển khai xét nghiệm HIV cho học sinh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trước đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhận được thông tin của báo chí phản ánh về việc nhóm Bông hồng đen (nhóm cộng đồng) tổ chức tuyên truyền và lấy mẫu máu xét nghiệm của học sinh trường THCS ở Phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Hải Phòng không thông qua phụ huynh hay nhà trường và chính quyền địa phương.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hải Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ thông tin nêu trên và có văn bản báo cáo về Cục Phòng, chống HIV/AIDS trước 12h ngày 22/8 để báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

Đồng thời, tăng cường việc quản lý và chấn chỉnh các hoạt động của nhóm cộng đồng triển khai hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tại cộng đồng theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Về dịch HIV, được biết tại Việt Nam hiện đang có hơn 220.000 người nhiễm HIV. Hai năm qua, mỗi năm có hơn 13.000 trường hợp phát hiện mới.

Trong đó, 50% là những người trẻ dưới 29 tuổi. Nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính đang được cảnh báo là đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam hiện nay. Nhưng can thiệp cho nhóm này còn hạn chế do khó tiếp cận.

Theo kết quả khảo sát gần đây với nhóm thanh thiếu niên, chưa đến 50% có hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV. 40% vẫn còn thái độ phân biệt đối xử với HIV.

14% có yếu tố dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn. Vì vậy, đây là nhóm cần được quan tâm khi Việt Nam muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Đặc biệt, với những nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác này.

Điển hình, Việt Nam đã được thế giới ghi nhận là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục giảm 3 chỉ tiêu: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Việt Nam đặt ra mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030. Tức là giảm đến 200 lần số ca nhiễm so với thời điểm hiện tại, từ 200.000 ca xuống còn 1.000 ca mỗi năm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đạt kết quả vô cùng ấn tượng trong công tác phòng chống HIV/ AIDS. 95% độ bao phủ bảo hiểm y tế cho những bệnh nhân HIV/AIDS, gần 90% số người điều trị ARV được chi trả từ nguồn bảo hiểm y tế, và hơn 95% những người điều trị ARV đã đạt được tải lượng dưới ngưỡng ức chế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm, nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV/AIDS rất có thể bùng phát trở lại nếu chủ quan, thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra 3 mục tiêu 95-95-95, đó là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Đến nay mục tiêu 95 thứ 3 đã đạt được là 96%. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt được tỷ lệ này. Hai mục tiêu đầu lần lượt là 86% và 80%.

Điều này cho thấy, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn nhiều việc cần làm để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Theo PGS-TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tại Việt Nam, cho biết từ năm 1990 đến 2015, tỉ lệ người nhiễm HIV là nam giới có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên từ năm 2016, tỉ lệ người nhiễm HIV là nam giới bắt đầu có xu hướng gia tăng trở lại.

Trong giai đoạn đầu của dịch, đối tượng bị lây nhiễm HIV chủ yếu là qua đường máu, tuy nhiên trong những năm gần đây, lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính trong những ca nhiễm HIV mới phát hiện.

Năm 2022, gần 50% số ca nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm dưới 29 tuổi. MSM đang được báo cáo là nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam. Hiện có những địa phương báo cáo có 60% - 80% người nhiễm HIV được phát hiện trong năm qua là thuộc nhóm MSM.

Các chuyên gia lo ngại nhóm MSM và nhóm chuyển giới được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hàng năm trong thời gian tới.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-y-te-vao-cuoc-vu-tu-y-lay-mau-xet-nghiem-hiv-cua-hoc-sinh-d196833.html
Zalo