Bộ Y tế: Thuốc giả không vào bệnh viện do không có chứng từ để tham gia đấu thầu
Theo thông tin ban đầu, số thuốc tân dược giả không vào trong hệ thống các bệnh viện do không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu.
Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.
Liên quan đến vụ việc trên, sáng 17-4, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết ngay khi nhận thông tin vào tối 16-4, Cục Quản lý Dược đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đề nghị cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật và triệt để thu hồi các thuốc do đối tượng làm giả đã đưa ra thị trường.

Một số loại thuốc tân dược giả và dụng cụ dùng để sản xuất thuốc giả bị thu giữ.
Ông Hùng cho hay, theo thông tin ban đầu của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị chức năng, số thuốc do các đối tượng làm giả không vào trong hệ thống các bệnh viện do không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu.
Thay vào đó, các thuốc tân dược giả này chủ yếu được bán ở kênh nhà thuốc do một số chủ nhà thuốc đã vi phạm các quy định về kinh doanh dược phẩm, mua thuốc trôi nổi, không có hóa đơn từ các đối tượng này.
Theo thông tin từ phía cơ quan Công an, các đối tượng đã thuê kho ở nơi vắng vẻ, đầu tư dây chuyền, máy móc, thuê nhân công ăn ở khép kín ở xưởng để sản xuất. Sau đó, đặt mua các nguyên liệu là dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trộn lẫn nghiền thành bột, sử dụng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng gói thành phẩm bán ra thị trường qua các kênh phân phối hám lời.
Trong số 21 loại “thuốc”, “thuốc chữa xương khớp” giả đã được cơ quan công an bắt giữ có 4 loại là giả các thuốc đã được cấp phép lưu hành (44 hộp thuốc Tetracyclin, 40 hộp thuốc Clorocid, 49 hộp thuốc Pharcoter, 52 hộp thuốc Neo-Codion).
Các loại còn lại là sản phẩm do các đối tượng tự đặt tên, không có các sản phẩm thuốc nào tương tự đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành.
Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết thêm: "Việc đấu tranh phòng chống thuốc giả đã và luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế".
Thực hiện Chỉ thị 17 của Thủ tướng, những năm qua, Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược hàng năm đều có các văn bản chỉ đạo sở y tế các tỉnh và các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cuối năm 2024, Cục Quản lý Dược đã có văn bản đề nghị cơ quan công an phối hợp truy tìm tận gốc việc sản xuất, buôn bán các thuốc giả nêu trên và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật.
Trách nhiệm trong quản lý dược
Điều 4 Luật Dược 2016 quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về dược.
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dược.
2. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dược.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về dược và phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về dược theo phân công của Chính phủ.
4. UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về dược tại địa phương.
Như PLO đã đưa tin, chiều 16-4, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh…
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện trên địa bàn TP Thanh Hóa và một số địa phương khác có một nhóm nghi vấn sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, đồng thời huy động lực lượng, phối hợp khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, làm việc, cất giấu hàng hóa của nhóm này trên địa bàn TP. Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp.
Qua khám xét, Công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược giả, thuốc chữa xương khớp giả lên đến hàng chục nghìn hộp thuốc.
Ngoài ra, Công an còn thu giữ nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả, gồm hơn 18.000 vỏ hộp các loại, 142 kg các loại viên hoàn, viên nén, bột và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất.
Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả là gần 10 tấn. Từ năm 2021 đến khi bị bắt, số tiền thu lợi bất chính của nhóm này là gần 200 tỉ đồng.
Vụ án đang tiếp tục được điều tra, mở rộng.