Bộ Y tế thu giữ 21 sản phẩm thuốc bị làm giả
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ 21 sản phẩm thuốc bị làm giả. Đáng chú ý, trong số này có 4 loại được xác định là giả mạo các loại thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành chính thức.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành và Y tế các ngành khẩn trương thông báo đến các cơ sở kinh doanh, cơ sở sử dụng thuốc không được kinh doanh, buôn bán, sử dụng 21 sản phẩm thuốc giả vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện.
Trong đó, 16 sản không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành, gồm:

Trong 21 thuốc giả, có 16 thuốc giả ghi nhãn không trùng với các thuốc đã từng được cấp số đăng ký.
Đáng chú ý, trong số này có 4 loại giả mạo các loại thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành chính thức. Cụ thể:
- Viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16, Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
- Viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17, Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
- Viên nén Pharcoter (Codein base 10mg; Terpin hydrat 100mg), Số đăng ký: VD-14429-11, Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco), đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
- Sản phẩm giả thuốc Neo-Codion (thuốc Neo-Codion được Bộ Y tế cấp phép lưu hành với các thông tin sau: Số giấy phép lưu hành: 300111082223 (SĐK cũ: VN-18966-15); Hoạt chất: Codein base (dưới dạng Codein camphosulfonat 25mg) 14,93mg; Sulfogaiacol 100mg; Cao mềm Grindelia 20mg; Dạng bào chế: Viên nén bao đường; Đóng gói: Hộp 2 vỉ x 10 viên; Nhà sản xuất: Công ty Sophartex (Pháp), địa chỉ: 21, rue du Pressoir, Vernouillet, 28500).

4 sản phẩm giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Trước đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp sau để tránh mua phải thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả mạo. Cụ thể:
Đối với mặt hàng là thuốc
- Mua thuốc tại cơ sở uy tín: Chỉ mua thuốc tại nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép, có địa chỉ rõ ràng. Tránh mua từ nguồn không rõ ràng như chợ, hàng rong hoặc qua mạng xã hội, livestream.
- Kiểm tra bao bì và thông tin thuốc: Đảm bảo bao bì nguyên vẹn, không rách, mờ hoặc có dấu hiệu bị chỉnh sửa. Kiểm tra các thông tin như tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký, tên nhà sản xuất.
- So sánh với sản phẩm chính hãng: Quan sát màu sắc, kích thước, ký hiệu trên viên thuốc, hộp thuốc. Nếu có sự khác biệt so với lần sử dụng trước hoặc so với mô tả chính hãng, không nên sử dụng.
- Sử dụng ứng dụng quét mã vạch/mã QR: Kiểm tra thông tin sản phẩm. Nếu mã không quét được hoặc thông tin không khớp, hãy nghi ngờ.
- Yêu cầu hóa đơn khi mua thuốc: Để đảm bảo nguồn gốc và là cơ sở khiếu nại nếu phát hiện thuốc giả.
- Cảnh giác với thuốc bán online: Từ ngày 1.7, chỉ mua thuốc qua mạng trên các trang web được cấp phép bán thuốc trực tuyến. Không mua qua các nền tảng mạng xã hội hoặc người bán cá nhân không rõ danh tính.
Đối với mặt hàng Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung
Bộ Y tế chỉ ra, những dấu hiệu quảng cáo vi phạm cần lưu ý như: Quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh, cam kết "khỏi bệnh hoàn toàn", "tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày", "bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên"...; sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm; không có dòng chữ bắt buộc: "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
Bên cạnh đó, người dân cần kiểm tra kỹ thông tin trên nhãn sản phẩm. Bao gồm:
- Tên sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng.
- Thành phần, định lượng, hướng dẫn sử dụng và bảo quản.
- Khuyến cáo về nguy cơ (nếu có).
- Có cụm từ: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe" và "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
- Số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có).
- Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và cơ sở sản xuất sản phẩm.