Bộ Y tế thông tin mới nhất về đợt bùng phát cúm tại Nhật Bản
Chiều 5/2, Bộ Y tế cho biết, đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay, chủ yếu do cúm A gây ra. Thời tiết tại nước ta là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời và cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, tuy nhiên không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện tại với thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan.
Theo dữ liệu công bố ngày 31/1 của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ ngày 2/9/2024 đến 26/1/2025, tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa.
Trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 (từ ngày 23 đến 29/12/2024) đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp.
Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka là các khu vực có đông dân cư và có nhiều điểm du lịch, tập trung đông người là các địa bàn bị ảnh hưởng nhất của đợt bùng phát dịch cúm mùa hiện tại. Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay chủ yếu do cúm A gây ra nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.
Trước đó, theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/1/2025, tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng theo mùa vào thời điểm cuối năm do các tác nhân gây bệnh hô hấp như virus cúm mùa, RSV và các virus phổ biến khác như hMPV, mycoplasma pneumoniae.
Theo WHO, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở một số quốc gia ở Bắc bán cầu đã tăng lên trong những tuần cuối năm 2024 và vượt qua mức cơ sở theo mùa thông thường.
Ngoài ra, theo kết quả giám sát cúm trên thế giới, bệnh cúm mùa cũng gia tăng ở nhiều quốc gia châu Âu (xuất hiện tất cả các phân nhóm của virus cúm), Bắc Mỹ (chủ yếu là cúm A), Trung Mỹ và Caribbean (chủ yếu là cúm A/H3N2), Đông Phi (chủ yếu là cúm B) và nhiều quốc gia ở châu Á (chủ yếu là cúm A/H1N1 pdm09)... Điều này phù hợp với xu hướng điển hình cho thời điểm cuối năm.
Tình hình dịch cúm trong nước cũng đang diễn biến phức tạp
Khí hậu lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường, đúng thời điểm Tết, lễ hội xuân, việc đi lại giao lưu nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm dễ dàng phát triển, lây lan nhanh. Điều đáng nói, khi mắc cúm, đa phần mọi người thường chủ quan trong những ngày đầu, chỉ uống thuốc hạ sốt sau đó theo dõi ở nhà.
Đa phần các ca mắc cúm mùa thường khỏi sau 1 tuần điều trị thông thường. Một tỷ lệ nhỏ các trường hợp (thường ở những người có sức đề kháng kém, người có bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường…, người già, trẻ em và phụ nữ có thai) có thể có diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đến viện khám ngay khi có diễn biến nặng để được tư vấn tốt nhất. Lý do cúm mùa cũng có thể tiến triển nhanh gây viêm phổi, suy hô hấp.
Đặc biệt khi bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính khác như suy thận, đái tháo đường… kèm theo thì nguy cơ diễn biến nặng càng tăng lên.
Khi có dấu hiệu cúm như sốt, đau nhức toàn thân, hắt hơi, chảy nước mũi..., nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức bình thường thì bệnh nhân nên đến viện để được kiểm tra. Đặc biệt khi có sốt cao lên sau vài ngày sốt nhẹ, đau nhức người, kèm theo triệu chứng đau ngực, khó thở thì nên đến các bệnh viện có chuyên khoa hô hấp càng sớm càng tốt.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccine cúm để phòng ngừa, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, khi đi đường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh mũi, miệng, mắt.