Bộ Y tế khuyến cáo các loại vi khuẩn thường gặp trong mùa mưa lũ
Thương hàn là một trong những bệnh thường gặp sau lũ lụt, có thể gây biến chứng nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Trong và sau bão, mưa lũ, ngập lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Hơn nữa, mưa lũ và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người.
Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa lụt bão, mưa lũ là: tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết…
Trong đó, thương hàn là một trong những bệnh thường gặp sau lũ lụt, có thể gây biến chứng nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra.
Theo Bộ Y tế, thương hàn là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, táo bón hoặc tiêu chảy và ho khan. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhẹ hoặc không triệu chứng.
Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập cơ thể người cảm thụ, trung bình từ 8 - 14 ngày.
Nguồn truyền nhiễm bệnh thương hàn là từ người bệnh, người bệnh có thể lây cho người khác ngay trong thời kỳ ủ bệnh.
Người khỏi bệnh mang vi khuẩn, sau khi hết các triệu chứng lâm sàng, đa số người khỏi bệnh vẫn đào thải vi khuẩn ra môi trường bên ngoài trong 2 - 3 tuần. Khoảng 2% - 20% người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường 2 đến 3 tháng sau khi hết các triệu chứng lâm sàng.
Và người lành mang khuẩn là những người bị nhiễm khuẩn nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Trong bệnh thương hàn, vai trò của người lành mang khuẩn là không rõ ràng.

Nguồn truyền nhiễm bệnh thương hàn.

Phương thức lây truyền bệnh thương hàn.
Phương thức lây truyền của bệnh thương hàn là do ăn phải thực phẩm, uống nước bị nhiễm khuẩn không được nấu chín. Đây là đường lây quan trọng và thường gây dịch lớn.
Do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người mang vi khuẩn qua chất thải, chân, tay, đồ dùng bị nhiễm khuẩn,… Đường lây này thường gây dịch nhỏ, tản phát.

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng, chống bệnh thương hàn.
Để phòng chống bệnh thương hàn, Bộ Y tế khuyến cáo cần tăng cường giám sát dịch tễ học tại các ổ dịch cũ, các vùng có nguy cơ cao (vùng đông dân cư, điều kiện vệ sinh môi trường còn nhiều tồn tại, sử dụng nước sông, ao, hồ, vùng có bệnh lưu hành)...
Thông tin báo cáo tình hình bệnh theo quy định của Bộ Y tế, cải thiện hệ thống cung cấp nước sinh hoạt như xử lý chất thải, đặc biệt là tăng cường các biện pháp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Chuẩn bị thuốc, hóa chất, trang thiết bị, máy phun phòng chống dịch và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về vệ sinh phòng bệnh trong cộng đồng, thực hiện ăn chín uống sôi.