Bộ Y tế họp Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá
Bộ Y tế tổ vừa chức Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chủ tịch Hội đồng Quản lý liên ngành Quỹ chủ trì cuộc họp.
Tham dự có, đồng chí Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Phó Chủ tịch Hội đồng; đồng chí Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế - Ủy viên thường trực; đồng chí Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ủy viên; đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Ủy viên; đồng chí Tạ Văn Đồng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Ủy viên; Đại diện cơ quan điều hành Quỹ, Ban Tư vấn Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ; đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; các Bộ/ngành liên quan.
Thực hiện các hoạt động giai đoạn 2023-2024
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại cuộc họp, thực hiện quy định của Luật phòng chống thuốc lá về việc thành lập Quỹ phòng chống thuốc lá, ngày 29/7/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 47/2013/QĐ-TTg về việc thành lập, phê duyệt điều lệ và tổ chức hoạt động của Quỹ phòng chống thuốc lá.
Bộ trưởng cho biết, Quỹ phòng chống thuốc lá với sự phối hợp của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các tổ chức đoàn thể, đã hỗ trợ triển khai hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá cho hơn 100 đơn vị trên quy mô toàn quốc.
Để tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ, giai đoạn 2023-2024, Quỹ dự kiến tập trung hỗ trợ các hoạt động với 3 nhóm mục tiêu và bao phủ 9 nhiệm vụ hỗ trợ của Quỹ theo quy định của Luật phòng chống thuốc lá với 3 mục tiêu chính gồm:
Tiếp tục nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá và các quy định của pháp luật về phòng chống thuốc lá.
Tiếp tục nâng cao năng lực để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động phòng chống thuốc lá và tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi Luật phòng chống thuốc lá.
Thực hiện các nghiên cứu, đánh giá đưa ra bằng chứng phục vụ công tác phòng chống thuốc lá.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị, các đại biểu tham dự cuộc họp tập trung thảo luận kế hoạch giai đoạn 2023-2024; một số khó khăn trong thời gian qua trong phê duyệt kế hoạch hoạt động, báo cáo tài chính và đề xuất các giải pháp.
Mạng lưới về phòng chống thuốc lá hoạt động trên toàn quốc
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, về tình hình sử dụng thuốc lá: giảm tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong nhóm người trưởng thành trên 15 tuổi từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020, trong đó nam giới là từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020; Tỷ lệ đang hút thuốc lá ở học sinh từ 13-15 tuổi theo giới tính tại Việt Nam 2014 và 2022 giảm từ 3,5% năm 2014 xuống 2,7% năm 2022, trong đó nam giới giảm từ 6,3% xuống 4%; Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) tại các địa điểm công cộng, như: tại nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà: giảm từ 59,9% xuống 56,0%; tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar/ cà phê/ trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%; Tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng: Trong 5 năm (từ 2015-2020) tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 202; Nhận thức của người dân ngày càng cao về tác hại của thuốc lá và tiếp xúc thụ động với khói thuốc: Năm 2020, tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá có thể gây nên những bệnh nghiêm trọng cao (95,5%). Tỷ lệ người trả lời tin rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi (96,2%), đột quỵ (81,1%), đau tim (77,8%) và 72,2% tin rằng hút thuốc là gây ra cả 3 bệnh trên.
Mạng lưới về phòng chống thuốc lá được thành lập và duy trì trong toàn quốc: có 20 bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội và 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống thuốc lá.
Hằng năm, kế hoạch của các tỉnh/ thành phố được UBND tỉnh ban hành có nhiệm vụ cụ thể cho các Sở ban ngành và các đơn vị liên quan, việc thực hiện Luật phòng chống thuốc lá được đưa vào kế hoạch hoạt động hàng năm. Các công tác tuyên truyền, đào tạo, nghiên cứu tại cộng đồng đều được Quỹ hỗ trợ kinh phí và các cơ quan tích cực thực hiện.
28.113 cơ quan, đơn vị, cơ sở (trường học, bệnh viện, nhà máy, công ty xe khách, khách sạn, nhà hang) tại 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc đang thực hiện quy định về môi trường không khói thuốc lá.
Tại cuộc họp các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về phê duyệt Kế hoạch giai đoạn 2023-2024; 3 mục tiêu đề ra và một số nội dung liên quan đến hoạt động, điều hành, quản lý Quỹ.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử
Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Hiện còn nhiều khó khăn trong việc hạn chế sử dụng sản phẩm thuốc lá điện tử. Theo đó, thời điểm Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên thị trường của Việt Nam chưa có các sản phẩm thuốc lá mới này, nên tỉ lệ sử dụng các sản phẩm này hầu như chưa có thống kê.
Do đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định dành cho hai sản phẩm thuốc lá mới điển hình vào thời điểm hiện nay là thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là một sản phẩm gây nghiện độc hại và là một nhóm sản phẩm mới.
Theo bà Trang, cần đề xuất cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì chúng có hại cho sức khỏe. Điều này cũng phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới, cũng như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Nguồn: Tổng hợp