Bộ Y tế đề xuất chế độ phụ cấp đặc thù với nhân viên y tế bao gồm cả sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp
Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập, chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản. Đáng chú ý, Bộ Y tế đề xuất người công tác trong các cơ sở y tế của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cũng được hưởng chính sách này.
Phụ cấp đặc thù và đối tượng áp dụng
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất một số chế độ phụ cấp đặc thù sau đây: Phụ cấp trực; phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; phụ cấp chống dịch và chế độ hỗ trợ hằng tháng đối với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản.
Bộ Y tế đề xuất đối tượng áp dụng gồm:
1. Viên chức, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30-12-2022 của Chính phủ tại các cơ sở y tế công lập, bao gồm cả trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế quân dân y (sau đây gọi chung là trạm y tế xã), cơ sở cấp cứu ngoại viện, cơ sở chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật; các tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y, pháp y tâm thần (gồm Viện Pháp y quốc gia, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Trung tâm Pháp y cấp tỉnh, Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực) và Trung tâm Điều phối quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người;
2. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ sở y tế của Quân đội nhân dân. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ sở y tế của Công an nhân dân (bao gồm bệnh xá của Công an nhân dân);
3. Thành viên Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp;
4. Nhân viên y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu, khu dân cư (gọi chung là nhân viên y tế thôn, tổ dân phố). Nhân viên y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn, xã vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo (gọi chung là cô đỡ thôn, bản).

Quân y Đồn Biên phòng Khánh Hội, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau phối hợp với Trung tâm Y tế huyện U Minh khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân xã Khánh Hội, huyện U Minh. Ảnh: qdnd.vn
Chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật
1. Mức phụ cấp phẫu thuật được đề xuất như sau:

2. Mức phụ cấp thủ thuật bằng 0,3 lần mức phụ cấp phẫu thuật cùng loại quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và quy định cụ thể Danh mục các thủ thuật được hưởng phụ cấp thủ thuật; hướng dẫn định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện nay, các mức phụ cấp: Phụ cấp trực; phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; phụ cấp chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn đối với các đối tượng được áp dụng tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg là quá thấp và không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay. Vì thế, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch theo hướng điều chỉnh nâng mức phụ cấp đặc thù để bảo đảm phù hợp với mức lương tối thiểu mới từ ngày 1-7-2024 phù hợp với thực tế để bảo đảm đời sống tối thiểu, tiền công cho người lao động khi thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, cả nước có 33 bệnh viện trong mạng lưới vận động hiến tạng thành lập tổ tư vấn, trong đó số lượng tổ tư vấn hoạt động hiệu quả không nhiều với nguyên nhân chế độ đãi ngộ chưa thực sự phù hợp; các hoạt động chết não, hồi sức chết não, lấy tạng, lấy mô, bảo quản, vận chuyển, điều phối và một số hoạt động ghép khác... chưa có chính sách cụ thể. Để phát triển ngành ghép tạng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong hoạt động và điều phối ghép mô, bộ phận cơ thể người, việc xây dựng chế độ phụ cấp đối với nhân lực tham gia các hoạt động tư vấn, điều phối, lấy, vận chuyển, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người là rất cần thiết.
Trong khi đó, đội ngũ nhân viên y tế thôn, ấp, bản, làng, buôn, sóc, tổ dân phố, khóm (gọi chung là y tế thôn, bản) là người có trình độ chuyên môn về y tế, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn, là cánh tay nối dài của ngành y tế.
Duy trì đội ngũ nhân viên y tế thôn bản và xây dựng các chế độ chính sách cho nhân viên y tế thôn bản là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm luôn luôn có nguy cơ bùng phát, lây lan trong cộng đồng cần phải được phát hiện sớm, truy vết, giám sát chặt chẽ; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thu hẹp khoảng cách về tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong bà mẹ và tử vong trẻ em giữa các vùng, miền, góp phần bảo đảm tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
Trong thời gian qua, đội ngũ y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản đã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo quy định; cô đỡ thôn bản đã thực hiện được nhiều hoạt động như khám thai, tư vấn chăm sóc thai nghén, phát hiện thai có nguy cơ vận động đến cơ sở y tế và chuyển tuyến, xử trí hiệu quả các trường hợp đẻ tại nhà, chăm sóc sau sinh… chưa ghi nhận trường hợp tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh nào có liên quan đến hoạt động của mạng lưới cô đỡ thôn, bản; các hoạt động trên đã được các già làng, trưởng bản đánh giá cao và được đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng, chấp nhận.
Báo Quân đội nhân dân sẽ cập nhật các đề xuất quan trọng của Bộ Y tế tại Dự thảo Nghị định này.