Bỏ xe chạy lấy người, cách nào ngăn chặn?

Theo Cục CSGT, khi người tham gia giao thông bị tạm giữ phương tiện vi phạm, nhưng không đến chấp hành quyết định xử phạt thì sẽ không được cấp/đổi giấy phép lái xe, người vi phạm sẽ đối diện nguy cơ thường trực là bị xử lý rất nặng.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, ngoài việc "chặn" tình trạng bỏ xe, không nộp phạt bằng hình thức không cho cấp đổi giấy phép lái xe, cần đổi mới, rút ngắn quy trình đấu giá phương tiện vi phạm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bị giữ xe vì vi phạm nồng độ cồn, anh Nguyễn Văn Mạnh (ở Hà Đông, Hà Nội) được cán bộ Đội CSGT số 6 thông báo, mức phạt với hành vi vi phạm này bị tạm giữ phương tiện, bị phạt tới 8 triệu đồng.

Tần ngần một lúc, anh Mạnh đành bàn giao phương tiện cho lực lượng CSGT: "Em bị vi phạm lỗi nồng độ cồn, mức phạt khá cao, nhưng nói chung phương tiện đi lại, mình vẫn phải lấy ra vì công việc của mình thôi".

Tài xế xe công nghệ Nguyễn Văn Tuấn (ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) bị lập biên bản vi phạm vì đi vào Vành đai 3 trên cao, đoạn từ Cổ Nhuế đến Mai Dịch. Khi được phổ biến mức phạt với hành vi này lên tới 5 triệu đồng, anh Tuấn cân nhắc đến việc bỏ xe, vì mức phạt đó còn cao hơn giá trị chiếc xe: "Em chở khách từ khu Ngoại giao đoàn về bến xe buýt Đại học Sư phạm, mới có lên một đoạn thôi ạ. Đoạn đấy tắc quá, ùn quá, khách giục đi nhanh nên em lách lên đấy".

Một số tài xế mô tô, xe máy bị tạm giữ phương tiện khi đi vào đường Vành đai 3 trên cao cũng băn khoăn, khi so sánh giá trị phương tiện với mức phạt theo quy định mới:

"Đơn này được 10 nghìn, nếu bị phạt 5 triệu thì em mất nửa tháng lương".

"Em đi vào đường cao tốc, đoạn đường chỗ sân bóng nó tắc nên em đi vào".

Theo thông tin từ Cục CSGT, 15 ngày đầu thực hiện Nghị định 168, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý trên 174.600 trường hợp vi phạm TTATGT; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn gần 18 nghìn trường hợp; tạm giữ 955 ôtô, gần 50.000 môtô; gần 12.700 trường hợp giấy phép lái xe bị trừ điểm.

Trước băn khoăn người dân có thể “bỏ xe chạy lấy người”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đây không phải tình hình mới, mà trước đó, khi thực hiện Nghị định 100/2019, nâng mức phạt vi phạm nồng độ cồn lên tới 8 triệu đồng đối với mô tô, cũng đã xuất hiện tình trạng người vi phạm bỏ xe, không đến chấp hành quyết định xử phạt. Đối với những trường hợp này, Luật TTATGT đường bộ đã đề ra nhiều quy định để ngăn chặn, xử lý, trong đó áp dụng cả với phương tiện và người điều khiển phương tiện vi phạm:

"Luật TTATGT đường bộ đã có những quy định rất chặt chẽ, nếu chủ phương tiện không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm thì phương tiện sẽ không được kiểm định, không thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ. Đối với người vi phạm không phối hợp với lực lượng chức năng trong việc xử lý vi phạm thì sẽ không được cấp đổi giấy phép lái xe", Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết.

Theo Cục CSGT, khi người tham gia giao thông bị tạm giữ phương tiện vi phạm, nhưng không đến chấp hành quyết định xử phạt thì sẽ không được cấp/đổi giấy phép lái xe, người vi phạm sẽ đối diện nguy cơ thường trực là bị xử lý rất nặng

Theo Cục CSGT, khi người tham gia giao thông bị tạm giữ phương tiện vi phạm, nhưng không đến chấp hành quyết định xử phạt thì sẽ không được cấp/đổi giấy phép lái xe, người vi phạm sẽ đối diện nguy cơ thường trực là bị xử lý rất nặng

Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội đề xuất, cần có cơ chế riêng cho việc đấu giá phương tiện giao thông vi phạm bị tồn đọng, bởi thực tế, nhiều trường hợp, để tiến hành được một phiên đấu giá phải mất hàng năm, thậm chí vài năm:

"Tôi nghĩ phải cơ chế riêng, vì hiện nay là theo trình tự, thủ tục mà chúng ta làm được việc đấu giá, xong rồi thanh lý được các phương tiện bị tịch thu thì trình tự, thủ tục rất dài, và kéo dài hàng năm, thậm chí vài năm; lúc phương tiện vào thì nó còn mới, nếu thanh lý được sớm thì giá rất cao".

Luật sư Phạm Thành Tài, giám đốc văn phòng luật sư Phạm Danh (Hà Nội) cho rằng, cần gắn trách nhiệm của người ra quyết định tạm giữ phương tiện, khi hết thời hạn tạm giữ, phải kịp thời tiến hành các thủ tục tịch thu và đấu giá phương tiện vi phạm bị tồn đọng:

"Để việc thực thi pháp luật được đảm bảo, thì cũng phải gắn trách nhiệm của những cơ quan, đơn vị, cá nhân khi không thực hiện những thủ tục theo quy định. Khi gắn trách nhiệm vào thì tôi tin chắc rằng sẽ không còn tình trạng kéo dài thời gian thực hiện tịch thu đấu giá phương tiện bị tồn đọng".

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, cần rút ngắn quy trình đấu giá tài sản là những phương tiện giao thông không được người vi phạm đến nhận. Chỉ khi thực hiện theo cơ chế rút gọn mới có thể góp phần giải quyết tình trạng quá tải phương tiện bị người vi phạm vứt bỏ:

"Ví dụ như tôi thông báo, sau 2 tháng không ai đến nhận là tôi bán đấu giá luôn, thì nó đỡ biến thành đống sắt vụn. Như vậy, chúng ta làm cái gì có lợi cho xã hội thì chúng ta làm chứ không phải là chần chừ. Cho nên ở đây chúng ta phải uyển chuyển để xử lý thì người dân sẽ hưởng lợi".

Bãi trông giữ xe vi phạm thuộc Xí nghiệp 5, Công ty Khai thác Điểm đỗ xe Hà Nội (đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Bãi trông giữ xe vi phạm thuộc Xí nghiệp 5, Công ty Khai thác Điểm đỗ xe Hà Nội (đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Không phải đến bây giờ, tình trạng người vi phạm “bỏ xe, chạy lấy người” mới diễn ra, mà trước đó, hàng nghìn phương tiện bị tạm giữ phơi mưa, phơi nắng. Bởi vậy, bên cạnh việc ràng buộc trách nhiệm của chủ xe, của người vi phạm, cần nghiên cứu, rút ngắn quy trình đấu giá phương tiện vi phạm, mới có thể góp phần giải quyết tình trạng phương tiện vi phạm bị tồn đọng.

Quách Đồng/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bo-xe-chay-lay-nguoi-cach-nao-ngan-chan-post1148969.vov
Zalo