Bộ Xây dựng điểm danh loạt dự án chậm giải ngân
Bộ Xây dựng yêu cầu 11 địa phương đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, nêu rõ 6 dự án tỷ lệ rất thấp và 5 dự án chưa giải ngân.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ban hành Công điện số 18/CĐ-BXD gửi UBND và Sở Xây dựng 11 địa phương; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk và Ban Quản lý Dự án Hàng hải và Đường thủy nhằm đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025.
Theo báo cáo đến hết tháng 4/2025, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương của Bộ Xây dựng đạt 15,88%, thấp hơn mức 20,97% cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nhiều dự án giao cho địa phương làm chủ đầu tư hoặc lồng ghép với vốn địa phương có kết quả giải ngân rất thấp, thậm chí chưa giải ngân.

Dự án nâng cấp quốc lộ 4B tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Hữu Thắng
Cụ thể, 6 dự án có tỷ lệ giải ngân rất thấp gồm: Tuyến tránh TP. Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) giải ngân 1,2/190,5 tỷ đồng (0,63%); Quốc lộ 4B Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) giải ngân 55/869 tỷ đồng (8%); quốc lộ 8C (lồng ghép nguồn vốn tỉnh Hà Tĩnh) giải ngân 10,5/302 tỷ đồng (3,5%).
Quốc lộ 12A (tỉnh Quảng Bình) giải ngân 0,4/170,3 tỷ đồng (0,24%); tuyến tránh TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) giải ngân 22/155 tỷ đồng (14,3%); quốc lộ 30 (tỉnh Đồng Tháp) giải ngân 11/130 tỷ đồng (8,3%).
Ngoài ra, 5 dự án chưa thực hiện giải ngân gồm: Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì (tỉnh Vĩnh Phúc); quốc lộ 32C đoạn Hiền Lương - TP. Yên Bái (tỉnh Yên Bái); quốc lộ 2C (tỉnh Tuyên Quang); quốc lộ 14B đoạn qua TP. Đà Nẵng; tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tập trung triển khai các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn.
Việc thực hiện phải đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình, tránh tiêu cực, thất thoát và vi phạm quy định pháp luật.
Công điện cũng nhấn mạnh yêu cầu các địa phương phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công.
Trường hợp không thể bảo đảm tiến độ, đặc biệt với các dự án đã được gia hạn hoặc có lồng ghép nguồn vốn địa phương, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét dừng thực hiện dự án và bàn giao lại cho địa phương quản lý, thực hiện theo quy định tại Luật Đường bộ năm 2024 và Nghị định số 65/2024/NĐ-CP ban hành ngày 26/12/2024.