Bộ Xây dựng 6 năm chậm ban hành quy định mới gây khó khăn cho địa phương

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2025-2022, Bộ Xây dựng có nhiều chậm trễ trong tham mưu ban hành các văn bản pháp luật thay thế, từ đó gây khó khăn cho địa phương. Trong đó, có văn bản chậm tới 6 năm.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng. Theo Kết luận số 81 mới được ban hành, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra một số nội dung liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Bộ Xây dựng.

Trong đó, có việc tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng.

Việc tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, quy hoạch chung đô thị theo thẩm quyền của 4 đồ án; thẩm định một số đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và việc có ý kiến thống nhất bằng văn bản để UBND cấp tỉnh phê duyệt các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị của 4 địa phương.

Trụ sở Bộ Xây dựng tại số 37 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (Ảnh: Hữu Thắng).

Trụ sở Bộ Xây dựng tại số 37 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (Ảnh: Hữu Thắng).

Việc tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng đối với 4 đồ án do Bộ Xây dựng lập và việc thẩm định sự phù hợp về quy hoạch của thiết kế cơ sở trên địa bàn 4 địa phương; việc thực hiện chương trình quốc gia phát triển đô thị và chương trình nhà ở quốc gia,..

Trước hết, với nội dung tham mưu ban hành các văn bản trong thời kỳ thanh tra giai đoạn 2015 – 2022. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế khi Bộ Xây dựng tham mưu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (4 Luật, 2 Nghị quyết, 11 Nghị định, 17 Thông tư và 2 Quy chuẩn Việt Nam) còn chậm so với đề nghị, yêu cầu của các cơ quan cấp trên và quy định của pháp luật.

Đơn cử, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 10/20120 quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch. Trong đó, có quy định về bản vẽ đối với quy hoạch phân khu nhưng lại thiếu quy định về bản vẽ xác định các khu vực xây dựng công trình ngầm, dẫn đến các địa phương không được "tháo gỡ" khi lập trình quy hoạch.

Phải 6 năm sau, Bộ Xây dựng mới có Thông tư số 12/2016 để thay thế quy định trên.

Hay, theo quy định tại Thông tư số 18/2016 của Bộ Xây dựng đã quy định Bộ phải ban hành hướng dẫn áp dụng các tiêu chí đánh giá trong công tác thẩm định.

Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra (tháng 4/2024), Bộ Xây dựng chưa ban hành các tiêu chí đánh giá trong công tác thẩm định, dẫn đến công tác thẩm định thiết kế cơ sở của Cục Quản lý hoạt động xây dựng không định lượng được số liệu, tiêu chí cụ thể để thẩm định.

Điều này dẫn đến kết quả thẩm định còn chung chung, một số nội dung thiếu cơ sở để kết luận thiết kế cơ sở đủ điều kiện/không đủ điều kiện.

Tiếp tục, theo Nghị định số 44, ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định về đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải được lập kế hoạch để thực hiện quy hoạch.

Theo đó, UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng đối với các đồ án thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong ranh giới hành chính do mình quản lý.

Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy, không có sự phối hợp giữa địa phương với Bộ Xây dựng trong việc lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ theo quy định nêu trên.

Qua kiểm tra quy hoạch cụ thể tại Tp.HCM cho thấy, toàn bộ quy hoạch chung thành phố, các quy hoạch chung quận, huyện, quy hoạch phân khu trên địa bàn đều không được UBND các cấp lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch.

"Như vậy, nếu chỉ quy định như Điều 28, Điều 29 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ thì còn mang tính hình thức", Kết luận nêu.

Đặng Ngọc Thủy

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-xay-dung-6-nam-cham-ban-hanh-quy-dinh-moi-gay-kho-khan-cho-dia-phuong-204250402150808233.htm
Zalo