Bỏ việc tiền tỉ về quê làm thứ ai cũng phản đối, không ngờ giờ kiếm gấp 10

Từng mất 2 tỉ tiền vốn vì thiếu kinh nghiệm, người đàn ông trung niên này hiện đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục, sở hữu doanh thu hàng chục tỉ đồng chỉ sau 2 năm.

Bỏ việc lương “khủng” ở tuổi trung niên để làm thứ ai cũng phản đối

Dương Sĩ Ba (người Bắc Kinh, Trung Quốc) vốn có công việc ổn định với mức lương hơn 1 triệu NDT (3,4 tỉ đồng)/năm. Tuy nhiên vào năm 2015, khi đã 43 tuổi, người đàn ông này đã bất chấp sự phản đối của người thân bạn bè, quyết định bỏ việc để tự khởi nghiệp.

Từ thành phố Bắc Kinh hiện đại, sôi động, Dương Sĩ Ba chuyển đến một thôn nhỏ ở huyện Giang Khẩu, thành phố Quý Châu, Trung Quốc.

Trước đó, một người bạn của anh nói rằng có một trang trại nuôi cá tầm ở huyện Giang Khẩu, Quý Châu đang cần chuyển nhượng. Người bạn này cũng trao đổi với anh về triển vọng và lợi nhuận của việc nuôi cá tầm.

Thực tế, đó là một trang trại cá tầm cũ nát, chỉ rộng khoảng 15 mẫu. Nhưng phí chuyển nhượng lại rất cao, lên đến 2 triệu NDT (hơn 6,8 tỉ đồng). Có lẽ vì vậy mà khi anh quyết định mua trang trại này, người thân và bạn bè của Dương Sĩ Ba đều nhất loạt phản đối. Thậm chí, họ còn cho rằng đây rõ ràng là một vụ lừa đảo.

Dẫu vậy, Dương Sĩ Ba vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Sau khi mua lại trang trại, anh bắt đầu lên kế hoạch xây dựng lại nó. Nhưng không ngờ trở ngại mới lại tiếp tục xuất hiện.

Bị cả làng phản đối khi xây dựng trang trại cá

Ngay khi việc xây dựng trang trại bắt đầu, dân làng đã đồng loạt kéo đến gặp Dương Sĩ Ba. Tuy nhiên không phải để chúc mừng mà để ngăn cản việc xây dựng.

Hóa ra, người chủ cũ của trang trại có mối quan hệ rất căng thẳng với dân làng, thậm chí còn xảy ra mâu thuẫn liên miên. Nguồn nước mà trang trại chăn nuôi cá sử dụng là nước sông mà dân làng dùng để giặt quần áo, giặt rau.

Tuy nhiên, khi trang trại được xây dựng trong thôn, nước sông từ thượng nguồn đã bị chặn để dẫn vào khu chăn nuôi cá. Dân làng cảm thấy nước sông đã bị ô nhiễm sau khi chảy qua trang trại, ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu sinh hoạt thường ngày.

Biết được sự thật, Dương Sĩ Ba không từ bỏ mục tiêu mà trước tiên tìm cách hòa nhập với dân làng. Khi có người cần giúp đỡ hoặc có hoạt động gì trong làng, anh đều tích cực tham gia và mang theo một, hai con cá tầm hoặc một số món quà nhỏ tặng họ. Dần dần, người dân cũng bắt đầu mở lòng với Dương Sĩ Ba.

Bên cạnh đó, anh còn bỏ tiền xây ao rửa rau cho người dân trong làng. Nước sông từ ao rửa rau sẽ được dẫn về trang trại chăn nuôi thay - trái ngược với cách dẫn nước của chủ trang trại trước đó.

Đồng thời, anh chỉ phụ trách bỏ tiền xây dựng ao rửa rau. Những yếu tố còn lại như vị trí, cách xây dựng và quy mô ao đều do những người có uy tín trong làng quyết định. Khi trang trại được xây dựng lại và Dương Sĩ Ba chính thức nuôi cá tầm, ông đã mời hơn chục phụ nữ trong làng đến làm việc, trả cho họ mức lương hơn 2.000 NDT (685.000đ)/tháng.

Bằng cách này, dân làng không còn có bất kỳ phản đối nào đối với vấn đề nước ở trang trại. Đồng thời, mối quan hệ giữa Dương Sĩ Ba với dân làng cũng trở nên thân thiết hơn.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó.

Quá tam ba bận, khổ tận cam lai

Tháng 11 năm 2015, Dương Sĩ Ba đã nhập một lô cá tầm con với phí đầu tư hơn 300.000 NDT (hơn 1 tỉ đồng). Đây là những con cá con đã nở từ 7 - 10 ngày. Chỉ cần nuôi đến khi chúng đạt 12cm chiều dài là có thể đem bán. Theo dự tính của Dương Sĩ Ba, anh có thể sẽ chỉ mất 2 tháng là có thể hồi lại vốn.

Tuy nhiên, khi phát triển đến 4cm chiều dài, đàn cá bỗng chết dần. Chỉ trong hơn 1 tháng, số vốn 300.000 NDT đã “bốc hơi”.

Tháng 3 năm 2016, Dương Sĩ Ba cố gắng thử vận may lần nữa với số vốn tương tự. Tuy nhiên, lứa cá này cũng có cái kết tương tự. Tổng cộng, anh đã bỏ ra hơn 2 tỉ đồng nhưng đều mất trắng.

Nhiều người ở giai đoạn này chắc hẳn sẽ chọn từ bỏ, chuyển nhượng trang trại để cắt lỗ. Nhưng Dương Sĩ Ba vẫn kiên trì đến cùng. Anh tiến hành kiểm tra toàn diện nguồn nước và trang trại để đảm bảo môi trường chăn nuôi không có bất kỳ sai sót nào. Tháng 5 năm 2016, anh chọn mua cá giống từ một nhà bán hàng khác ở Bắc Kinh.

Lần này, đàn cá con cuối cùng cũng đã phát triển thành công.

Kể từ thành công đầu tiên đó, công nghệ nuôi cá tầm của Dương Sĩ Ba ngày càng hoàn thiện. Số lượng cá giống nuôi ngày càng tăng, hàng tháng có rất nhiều khách hàng đến mua cá giống.

Dương Sĩ Ba chia sẻ: "Chỉ riêng cá tầm giống có thể bán được 700.000 đến 800.000 con trong một tháng. Giá bán là gần 2 NDT mỗi con, lợi nhuận có thể đạt khoảng 50%".

Như vậy, chỉ nhờ nuôi cá giống, Dương Sĩ Ba một năm có thể thu về lợi nhuận hơn 5 triệu NDT (hơn 17 tỉ đồng).

Sau khi nuôi cá giống thành công, người đàn ông này bắt đầu bán cá trưởng thành và trứng cá muối. Kế đó, anh còn nuôi thêm cá Coho - loài mang lại giá trị cao gấp 8-10 lần so với nuôi cá tầm.

Cuối năm 2016, Dương Sĩ Ba đã đạt doanh thu hơn 10 triệu NDT (hơn 34 tỉ đồng) chỉ trong 2 năm nhờ bán cá giống, cá thương mại và cá hồi Coho.

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-viec-tien-ti-ve-que-lam-thu-ai-cung-phan-doi-khong-ngo-gio-kiem-gap-10-204241611131215125.htm
Zalo