Bộ Văn hóa lên tiếng về thông tin UNESCO xem xét loại vịnh Hạ Long khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới
Liên quan đến những thông tin về việc UNESCO xem xét loại vịnh Hạ Long khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin chính thức về việc này.
Cục Di sản văn hóa phản hồi
Ngày 20/12, Hãng Reuters đưa tin UNESCO sẽ triển khai một nhóm chuyên gia để đánh giá những rủi ro có thể xảy ra đối với việc bảo tồn vịnh Hạ Long tại Việt Nam, vì lo ngại về các dự án phát triển có thể đe dọa đến bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Reuters dẫn lời chuyên gia từ UNESCO: "Nếu phát hiện ra các mối đe dọa gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của di sản và lý do khiến di sản được đưa vào danh sách di sản thế giới, ủy ban có thể yêu cầu các biện pháp khắc phục để tăng cường bảo vệ địa điểm này".
Thông tin này đã được một số trang mạng Facebook dẫn lại với khẳng định UNESCO có thể xem xét loại vịnh Hạ Long khỏi sách Di sản thiên nhiên thế giới.
Ngày 24/12, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin về vấn đề trên. Theo đó, thông tin về chuyến khảo sát thực địa của UNESCO đã được đoàn Việt Nam tham gia Kỳ họp 46 Ủy ban Di sản Thế giới ngày 21-31/7/2024 trao đổi, thống nhất với Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS).
Đại diện Cục Di sản văn hóa khẳng định Việt Nam cần bám sát những khuyến nghị của đoàn kiểm tra thực địa để giải trình, tiếp thu những ý kiến tư vấn, góp ý trong công tác bảo vệ Vịnh Hạ Long.
Đoàn kiểm tra thực địa cũng lắng nghe, tư vấn, góp ý liên quan đến mong muốn của Việt Nam trong việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các giá trị văn hóa (đặc biệt là tiềm năng giá trị văn hóa - lịch sử của Vịnh Hạ Long với các nền văn hóa khảo cổ Soi Nhụ - Cái Bèo - Hạ Long).
Hoạt động này góp phần thúc đẩy việc lập hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới bổ sung tiêu chí về văn hóa theo quy định tại Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới.
Ông Lazare Eloundou Assom - Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới - cho rằng Việt Nam là hình mẫu hợp tác với UNESCO và các Cơ quan tư vấn của UNESCO và là trường hợp điển hình của việc bảo tồn di sản thế giới.
"Chúng tôi đánh giá cao việc Việt Nam tiếp tục triển khai nghiên cứu các giá trị văn hóa đặc sắc của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà để tiến tới xây dựng hồ sơ, bổ sung tiêu chí về văn hóa cho Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, cũng như tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam đối với nội dung nghiên cứu này", ông Lazare Eloundou Assom nêu trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 46 của Ủy ban Di sản Thế giới.
Tuân thủ chặt chẽ 8 khuyến nghị
Kỳ họp lần thứ 46 của Ủy ban Di sản Thế giới đã đưa ra 8 khuyến nghị về việc bảo tồn Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. 4 khuyến nghị đầu tiên, UNESCO khẳng định đã xem xét và thông qua báo cáo của Việt Nam về Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, bao gồm cả việc báo cáo về tình trạng bảo tồn và xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng để đảm bảo quản lý tổng hợp di sản.
Khuyến nghị thứ 5, UNESCO lưu ý về kiểm soát thực hiện các dự án ở khu vực bảo vệ di sản cần đánh giá tác động di sản theo hướng dẫn của Công ước 1972 của UNESCO.
Cụ thể, các dự án xây dựng phải đánh giá về sự phù hợp của dự án tác động tới giá trị nổi bật toàn cầu của di sản theo hướng dẫn đánh giá tác động di sản thế giới của UNESCO.
Khuyến nghị thứ 6, UNESCO ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện các biện pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường nhằm duy trì chất lượng không khí và nước trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý để kiểm soát tình trạng ô nhiễm nước.
Khuyến nghị thứ 7, UNESCO yêu cầu nộp cho Trung tâm Di sản thế giới bản đồ phân vùng chi tiết khu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, sau khi Di sản thế giới Vịnh Hạ Long được mở rộng thêm Quần đảo Cát Bà.
Khuyến nghị thứ 8 là mời đoàn giám sát phản hồi của UNESCO để đánh giá tổng thể hiện trạng bảo tồn di sản, đặc biệt là công tác quản trị di sản và hiệu quả tổ chức quản lý bảo vệ di sản.
Việt Nam không có Di sản Thế giới bị đe dọa
Tại kỳ họp lần thứ 46 năm 2024, Ủy ban Di sản Thế giới đã quyết định thông qua việc đưa di sản Vườn quốc gia Niokolo-Koba (Senegal) ra khỏi Danh sách Di sản thế giới bị đe dọa và bổ sung di sản Tu viện Saint Hilarion/Tell Umm Amer (Palestine) vào Danh sách Di sản thế giới bị đe dọa, do những mối đe dọa đối với di sản này từ cuộc xung đột đang diễn ra ở Dải Gaza. Đến nay, có 56 Di sản thế giới đang nằm trong Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa.