Bố và con - đôi bạn đồng môn đặc biệt của trường Y
Trường Đại học Y Dược Thái Bình có một 'đôi bạn cùng tiến' đặc biệt, đó là cặp bố con ông Nguyễn Viết Thành - Nguyễn Thị Thanh Bình.
Năm ngoái, cô con gái Thanh Bình (SN 2005) thi đỗ vào trường Đại học Y Dược Thái Bình, chuyên ngành Y học dự phòng. Cùng năm đó, ông Thành (SN 1980), bố nữ sinh trúng tuyển ngành Y khoa theo hệ liên thông đại học.
Gần hai năm qua, ông Thành và Bình trở thành người bạn chung khóa, cùng giúp đỡ, thậm chí cạnh tranh nhau trong học tập.
Tân sinh viên trường Y ở tuổi 43
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo tại xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, năm 4 tuổi, ông Nguyễn Viết Thành không may mắc bệnh bại liệt, di chứng để lại khiến một bên chân thương tật, di chuyển khó khăn. Tuy nhiên không vì thế mà người đàn ông ấy nản chí với việc học, bởi ông luôn tin rằng tri thức sẽ giúp mình thoát khỏi cái đói, cái nghèo.
Thời phổ thông, để có tiền nộp học phí, ngoài giờ học trên lớp, ông Thành phụ mẹ đan rổ. Đến khi thi đỗ đại học, gia cảnh không cho phép, ông đành chọn theo học hệ trung cấp tại trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, lấy bằng y sĩ đa khoa rồi sớm đi làm. Sau đó, ông lập gia đình, cùng vợ tập trung làm ăn, nuôi 3 con nên người.
Khi kinh tế tạm ổn định, người đàn ông ấy một lần nữ gác lại giấc mơ nơi giảng đường để ưu tiên cho vợ theo học 3 tấm bằng: đại học sư phạm, cao đẳng dược và y sĩ đa khoa. Vợ học gần xong, ông Thành mới nhen nhóm ý định trở lại.
Với tinh thần "học không bao giờ là muộn" cùng sự động viên của gia đình, năm 2023, ông nộp hồ sơ xét tuyển vào trường Đại học Y Dược Thái Bình.
Trước khi trở thành tân sinh viên ngôi trường Y ở tuổi 43, ông Thành từng là trạm trưởng trạm y tế xã. Tuy nhiên để tạo điều kiện tối đa cho việc học, sau khi nhận giấy báo trúng tuyển, ông xin thôi giữ chức vụ, chuyển xuống làm nhân viên. Đối với ông, học đại học là cách giúp bản thân nâng cao kiến thức tay nghề phục vụ bà con, cũng là để hoàn thành giấc mơ dang dở thuở bé.
“Thời gian đầu nhập học, bản thân tôi khá e ngại vì tuổi tác đã nhiều, lại học cùng các thế hệ sinh viên bằng tuổi con mình. Nhiều lúc tôi tự ti, sợ không theo kịp chương trình”, ông Thành kể lại. Bằng sự kiên trì và nỗ lực, qua hơn một năm, người sinh viên tuổi ngoài 40 ấy dần hòa nhập, cảm thấy thoải mái và tự tin hơn khi tới trường.
Đặc biệt, sau mỗi kỳ thi trên trường, ông Thành đều tự so sánh kết quả xem điểm số của mình hơn kém bao nhiêu người trên lớp, lấy đó làm động lực phấn đấu. Sinh viên lớn tuổi nhất lớp cũng không khỏi tự hào, khi điểm số phần lớn môn học luôn nằm top giữa của lớp.
Để tiết kiệm chi phí, ông Thành thuê cho con gái Thanh Bình một phòng trọ gần trường còn bản thân đi về quãng đường 30 km bằng xe buýt. Ngoài các buổi học, ông tranh thủ đến trạm y tế trực 1-2 buổi/tuần, rồi lại về nhà đỡ đần vợ. Có những đêm muộn, trong xã có người đau ốm, di chuyển khó, ông Thành cũng không ngần ngại đến tận nhà thăm khám cho bệnh nhân.
“Tôi thường dậy từ 4h để học và ôn bài. Có hôm hai bố con học cùng ca, buổi trưa tranh thủ về nhà, nấu cơm ăn rồi trở lại trường học ca học chiều, vội vội vàng vàng nhưng cũng vui”, ông Thành kể.
Cùng con gái thi đua học tập
Trở thành bạn học cùng khóa với bố cũng khiến Thanh Bình có chút e ngại. Nữ sinh sợ sẽ không được tự do khi có phụ huynh ở bên. Thế nhưng cảm giác này đã nhanh chóng biến mất khi hai bố con chính thức bước vào cuộc đua học tập.
Thanh Bình kể, trừ những lúc đi làm, lúc nào cũng thấy bố học, học mọi lúc mọi nơi. Khi gần đi ngủ, ông Thành bật bài giảng ghi âm, nghe đi nghe lại cho nhớ bài, đến khi thiếp đi mới thôi.
Theo nữ sinh, một trong những điểm cộng khi đi học cùng bố là có thêm một người bạn, một gia sư miễn phí tại nhà. Thanh Bình thường giúp bố trong môn tiếng Anh. Ngược lại, cô được bố chỉ bảo nhiều ở môn thực hành giải phẫu.
Có lần, Thanh Bình được bố nhờ kèm giúp tiếng Anh và hứa, nếu giúp ông thi được 5 điểm trở lên sẽ cho 500.000 đồng tiêu vặt. Nữ sinh liền soạn đề cương cùng một số mẹo để bố ôn thi. Cuối cùng, ông Thành thi được điểm cao hơn cả con gái.
"Học cùng khóa nên hai bố con cùng học, cùng thi đua. Có lẽ với nhiều người, điều này thật lạ, nhưng với em, đây là trải nghiệm thú vị mà không phải ai cũng có được", Thanh Bình nói và cho biết khâm phục tinh thần ham học của bố. Đây cũng là nguồn động lực để cô nàng phấn đấu noi theo.
Trong mắt cô nàng, ông Thành còn là người cha mẫu mực, luôn dịu dàng, yêu chiều vợ con. Ông không bao giờ uống rượu, sau mỗi giờ làm đều nhanh chóng trở về nhà giúp đỡ gia đình. Người dân trong làng ai cũng tôn trọng và dành lời khen cho bố, khiến nữ sinh càng thêm tự hào.
Thanh Bình và bố đều có chung mơ ước, sau khi tốt nghiệp, có chứng chỉ hành nghề sẽ mở phòng khám chữa bệnh giá rẻ hoặc miễn phí, nhằm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
Được biết, mẹ của nữ sinh chuẩn bị tốt nghiệp ngành y sĩ đa khoa và đang có kế hoạch nộp đơn xét tuyển hệ đại học cùng chồng và con gái. Dù kinh tế vẫn còn nặng gánh, nhưng gia đình Thanh Bình vẫn luôn nỗ lực từng ngày để theo đuổi ước mơ tri thức, trở thành những bác sĩ giỏi, góp sức cứu người.