'Bỏ túi' tiền tỉ từ nghề di sản

Nghề làm muối mang lại thu nhập thấp và bấp bênh cho nhiều người nhưng một diêm dân ở Bạc Liêu lại có thể 'bỏ túi' tiền tỉ từ nghề di sản của địa phương.

Những ngày giữa tháng 8-2024, phóng viên tìm đến gia đình ông Phan Văn Phúc (71 tuổi; ngụ xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) - người được nhiều diêm dân gọi vui là "tỉ phú" muối ở xứ biển Bạc Liêu.

Uống vội ly trà nóng, ông Phúc cho hay gia đình có 3 thế hệ gắn bó với nghề làm muối tại địa phương, riêng ông đã gần 50 năm kinh nghiệm trong nghề. "Năm 1979, khi xuất ngũ trở về, tôi lập gia đình rồi cùng vợ khai phá khoảng 6 ha đất hoang ở xã Vĩnh Thịnh để làm muối. Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm cộng với đất mới khai phá nên nước bị thoát ra ngoài dẫn đến không có muối thu hoạch" - ông Phúc nhớ lại.

Với tinh thần không ngại khó của người lính Cụ Hồ, ông Phúc đã làm việc bất chấp ngày đêm và không quản vất vả tạo mặt bằng, gia cố các bờ bao xung quanh để tiếp tục làm muối. Sau đó, muối bắt đầu cho năng suất ổn định và mang lại lợi nhuận.

Có lãi từ nghề cộng số tiền tích lũy trước đó, ông Phúc đã mua thêm đất để mở rộng diện tích sản xuất muối. Với hơn 20 ha làm muối, mỗi vụ gia đình ông Phúc thu về lợi nhuận trên dưới 1 tỉ đồng.

Nói về bí quyết "bỏ túi" tiền tỉ từ nghề di sản, ông Phúc chia sẻ: "Nhà tôi có diện tích sản xuất muối lớn cùng với kho chứa rộng nên sau khi thu hoạch không nhất thiết phải bán liền cho thương lái mà trữ lại đợi giá cao mới xuất bán ra thị trường. Người dân có hoàn cảnh khó khăn thường bán muối ngay sau khi thu hoạch dù giá cao hay thấp nên lợi nhuận thường thấp và bấp bênh".

Ông Phan Văn Phúc (trái) đã “bỏ túi” tiền tỉ từ nghề làm muối

Ông Phan Văn Phúc (trái) đã “bỏ túi” tiền tỉ từ nghề làm muối

Nghề làm muối ở Bạc Liêu đã có bề dày lịch sử hàng trăm năm, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2020. Qua đó, đã tạo được sự phấn khởi và động lực để giúp diêm dân gắn bó với nghề.

Ông Trần Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, cho hay trước đó, địa phương có diện tích làm muối khoảng 1.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn hơn 118 ha sản xuất muối với những diêm dân dày dạn kinh nghiệm và yêu nghề.

"Nghề làm muối không chỉ giúp gia đình ông Phúc có nguồn thu nhập khá mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn tại địa phương. Xã Vĩnh Thịnh đang định hướng phát triển nghề muối gắn với hoạt động du lịch, khi thực hiện được điều này thì cuộc sống của diêm dân sẽ nâng cao và mọi người sẽ yên tâm gắn bó với nghề" - ông Đức thông tin.

Để nghề di sản phát triển bền vững, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ngành chức năng Bạc Liêu còn tập trung xây dựng thương hiệu muối của địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm để người tiêu dùng có đa dạng sự lựa chọn… Động thái đó nhằm tôn vinh, động viên những diêm dân gắn bó với nghề truyền thống của tỉnh khi cuối năm 2024, tại Bạc Liêu sẽ diễn ra sự kiện Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu.

Bài và ảnh: Vân Du

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bo-tui-tien-ti-tu-nghe-di-san-196240820210820064.htm
Zalo