Bộ Tứ (Quad) quan ngại diễn biến Biển Đông, tìm cách tăng cường an ninh hàng hải

Các nhà lãnh đạo Nhóm Đối thoại 4 bên về An ninh (Bộ Tứ/Quad) ngày 22/9 đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các động thái cưỡng ép và đe dọa ở Biển Đông, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải…

Trong tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ (Quad) lần thứ 4 tại Wilmington, Delaware (miền Đông nước Mỹ), lãnh đạo 4 nước thành viên Quad đã phản đối các nỗ lực cản trở hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác, đồng thời tái khẳng định rằng các tranh chấp trên biển phải được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Họp lãnh đạo Bộ Tứ ở Mỹ tháng 9/2024. Ảnh: ANI.

Họp lãnh đạo Bộ Tứ ở Mỹ tháng 9/2024. Ảnh: ANI.

Câc thành viên của Quad gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Các lãnh đạo Quad khẳng định rằng luật pháp quốc tế, bao gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cùng với việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và ổn định trong lĩnh vực hàng hải, phải được ưu tiên hàng đầu.

"Chúng tôi nhấn mạnh tính phổ quát và thống nhất của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và tái khẳng định rằng UNCLOS đặt ra khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên đại dương và biển. Chúng tôi nhấn mạnh rằng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 liên quan vấn đề Biển Đông là một cột mốc quan trọng và là cơ sở để giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các bên", tuyên bố chung nêu rõ.

Cùng với đó, Quad tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) như là diễn đàn hàng đầu của khu vực để giải quyết các thách thức. Các bên cũng ghi nhận vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong việc hoàn thiện Tầm nhìn của IORA về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Quad cũng đã công bố một loạt sáng kiến nhằm mang lại tác động tích cực cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cung cấp các công nghệ hàng hải mới cho các đối tác của nhóm.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Biden bày tỏ sự hoan nghênh chuyến thăm của các nhà lãnh đạo tới bang Delaware, quê hương của ông, đồng thời nhấn mạnh rằng, 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ cần nỗ lực tăng cường hợp tác cùng nhau về mặt chiến lược để nâng tầm Nhóm Bộ Tứ, cũng như nâng cao vị thế, tầm quan trọng của Nhóm trong thời gian tới.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Kishida nhấn mạnh: Trong bối cảnh môi trường an ninh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng với những diễn biến phức tạp, khó lường, và trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền đang bị đe dọa, đặc biệt là tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhóm Bộ tứ cũng như các quốc gia khác có cùng chí hướng cần tăng cường hợp tác, nhất là an ninh hàng hải nhằm đảm bảo an ninh khu vực này luôn tự do và rộng mở.

Sau hội nghị, các bên đã ra Tuyên bố chung, nhấn mạnh những sáng kiến mới, các sáng kiến đang được triển khai trong các lĩnh vực như an ninh, cơ sở hạ tầng hàng hải, ứng phó thảm họa thiên nhiên, các công nghệ mới nổi… Đặc biệt trong số đó là kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận chung của lực lượng bảo vệ bờ biển của 4 nước, bắt đầu từ năm 2025, cũng như mở rộng chương trình đào tạo cho các quốc gia khác trong khu vực nhằm nâng cao năng lực giám sát, thực thi luật pháp trên biển, và ngăn chặn hành vi bất hợp pháp.

Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cho phép chia sẻ không gian vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không và đường biển nhằm mục đích hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Những lĩnh vực hợp tác khác bao gồm dự án xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông mới, các nỗ lực phòng chống ung thư, cũng như phát triển các công nghệ quan trọng…

Sau Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc gặp bên lề với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, dựa trên mối quan hệ tốt đẹp mà Nhật Bản và Ấn Độ đã xây dựng lâu nay.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đánh giá cao sự cống hiến và lãnh đạo của ông Fumio Kishida trong việc thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược Đặc biệt và Toàn cầu giữa hai nước trong những năm qua. Hai nhà lãnh đạo đã đánh giá toàn diện về mối quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản và trao đổi quan điểm để làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác, bao gồm quan hệ quốc phòng an ninh cũng như hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Australia Anthony Albanese trước khi 2 nhà lãnh đạo này cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ. Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề như hợp tác an ninh và tình hình khu vực, đồng thời cam kết sẽ tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà cả hai nước đều tham gia, an ninh kinh tế và mở rộng giao lưu nhân dân.

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì lợi ích chung, cũng như vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên nhấn mạnh rằng các cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa hai nước đã tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ song phương.

Thủ tướng hai nước đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như chính trị chiến lược, quốc phòng an ninh, thương mại đầu tư, giáo dục và nghiên cứu, biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và giao lưu nhân dân. Hai bên cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm.

Dũng Hoàng/VOV-New Delhi, Ngọc Huân/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/bo-tu-quad-quan-ngai-dien-bien-bien-dong-tim-cach-tang-cuong-an-ninh-hang-hai-post1123224.vov
Zalo