Bộ Tư pháp: Trình Quốc hội sửa quy trình ban hành pháp luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9
Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo và sẽ trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 sẽ diễn ra vào tháng 2 tới.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết như vậy trong cuộc họp báo của Bộ Tư pháp, sáng 16-1, tại Hà Nội. Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý điều hành buổi họp báo.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo quyết liệt về tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế, về “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”.
Sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chính là việc quan trọng cần làm để tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn ấy”. Thực tế, bộ, ngành, địa phương nào cũng liên quan tới hoạt động thể chế và những tác động, kết quả của những hoạt động thể chế đó là rất lớn. Muốn đổi mới tư duy lập pháp thì trước tiên phải đổi mới từ quy trình lập pháp.
Chính vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, trọng tâm chính là việc nghiên cứu sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với những quy định thể hiện tư tưởng mới giải quyết được những bất cập trong quy trình, bảo đảm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa khoa học, chặt chẽ, nhưng cũng vừa phải bảo đảm tính linh hoạt.
“Bộ Tư pháp đang khẩn trương, tích cực xây dựng dự án luật với mục tiêu trình Chính phủ cho ý kiến và công bố lấy ý kiến về dự thảo luật để kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 sẽ được tổ chức trong tháng 2 tới”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, dự thảo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ có nhiều quy định mới, như phân cấp, phân quyền trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới quy trình lập pháp, bao gồm cả ban hành đạo luật và văn bản dưới luật.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cũng nhắc tới nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác mà bộ, ngành Tư pháp, pháp chế đặt ra và sẽ quyết liệt thực hiện trong năm 2025 để triển khai thực hiện khẩn trương, tích cực và có hiệu quả cao chủ trương, chính sách mới của Đảng, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong đó có vấn đề quan trọng là kịp thời thẩm định, bảo đảm chất lượng các đề nghị xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phục vụ sắp xếp tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo hành lang pháp lý để hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần “tinh, gọn, mạnh”.