Bộ Tư pháp nỗ lực chỉnh lý dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 42, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã chủ trì các buổi làm việc với các đơn vị liên quan về chỉnh lý dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi), chuẩn bị cho việc trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 sắp tới.

Trên cơ sở các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng tiếp tục lược giảm hình thức VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, Hội đồng nhân dân cấp quận.

Đồng thời, bổ sung Nghị quyết của Chính phủ với quy định theo trình tự, thủ tục của Luật này là VBQPPL và thay đổi hình thức VBQPPL của Tổng Kiểm toán từ hình thức quyết định sang thông tư.

Riêng đối với hình thức VBQPPL của Ủy ban nhân dân quận, tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm, nên giữ lại và nhất là trong bối cảnh thảo luận dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) có quy định Ủy ban nhân dân là một mô hình, là cơ quan hành chính.

Do vậy, cần có một hình thức VBQPPL của Ủy ban nhân dân để làm công cụ pháp lý điều hành lãnh đạo, quản lý điều hành. Từ đó, dự thảo Luật dự kiến sẽ quy định hình thức VBQPPL của Ủy ban nhân dân quận.

Về vấn đề phản biện xã hội, dự thảo Luật quy định rõ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Về vấn đề tham vấn chính sách, dự thảo Luật đã viết rõ ràng, đầy đủ hơn, dễ hiểu hơn. Với định hướng khâu chính sách và khâu soạn thảo tách riêng, tham vấn chính sách là tham vấn trong quá trình làm chính sách và sau khi có soạn thảo, có dự thảo luật thì vẫn có thể có tham vấn chính sách.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh chủ trì các buổi làm việc về chỉnh lý dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi). Ảnh: HT

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh chủ trì các buổi làm việc về chỉnh lý dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi). Ảnh: HT

Về vấn đề chương trình xây dựng pháp luật và chương trình kỳ họp, trên cơ sở chương trình xây dựng pháp luật chuyển từ thẩm quyền của Quốc hội sang thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quyền điều hành chương trình, tức là sửa đổi, bổ sung chương trình theo đề nghị của các chủ thể của Chính phủ và các cơ quan có liên quan.

Đồng thời, chương trình lập pháp gắn với chương trình kỳ họp, khi xây dựng có định hướng chương trình nhiệm kỳ, có chương trình lập pháp hằng năm, trong chương trình lập pháp hằng năm có định hướng các dự án luật trình vào kỳ họp cụ thể, nhưng trong quá trình chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sắp xếp chương trình kỳ họp trên cơ sở chất lượng của các dự thảo Chính phủ trình.

Về quy trình soạn thảo và trình, dự thảo Luật làm rõ hơn vấn đề cơ quan thẩm tra chịu trách nhiệm thẩm tra đến cùng, bảo đảm cơ quan thẩm tra và cơ quan trình đều chịu trách nhiệm nhưng không trùng lên nhau, mà hỗ trợ, phối hợp với nhau. Đồng thời, làm rõ hơn về quy trình soạn thảo và trình một kỳ, quy trình nhiều kỳ nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện sau khi Luật có hiệu lực.

Về vấn đề xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền đối với các vấn đề lớn, theo ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu cơ quan trình chịu trách nhiệm đến cuối cùng thì cơ quan trình sẽ xin ý kiến. Vì vậy, dự thảo Luật thiết kế các phương án để Quốc hội thảo luận thêm, bảo đảm dù cơ quan nào xin ý kiến thì đều thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trước đó, ngày 5/2, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 42, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật được thiết kế với 8 chương, 72 điều (giảm 101 điều so với Luật hiện hành) và phạm vi điều chỉnh được mở rộng hơn để bao hàm một số nội dung về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật.

Với chủ trương tiếp tục tinh gọn hệ thống VBQPPL, dự thảo Luật bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của chính quyền cấp xã để bảo đảm thống nhất với đề xuất nêu tại Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật mà Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ Chính trị.

Đồng thời, thay đổi 1 hình thức từ quyết định sang hình thức thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước để bảo đảm tính tương đồng, thống nhất với hình thức VBQPPL do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; bổ sung 1 hình thức VBQPPL do Chính phủ ban hành là nghị quyết.

Như vậy, so với Luật Ban hành VBQPPL hiện hành, dự thảo Luật giảm 1 hình thức VBQPPL (hiện gồm 26 hình thức) và giảm 2 chủ thể có thẩm quyền ban hành (hiện có 16 chủ thể).

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nội dung đổi mới trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL tập trung vào 3 vấn đề lớn, trọng tâm: Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; ban hành VBQPPL trong trường hợp đặc biệt.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bo-tu-phap-no-luc-chinh-ly-du-an-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-sua-doi-184347.html
Zalo