Bộ Tư pháp: Bảo đảm tiến độ trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)
Trong quý 1/2024, Bộ Tư pháp đã bảo đảm tiến độ trình Quốc hội đúng thời hạn các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền như dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Chiều 12/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2024. Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý chủ trì buổi họp báo.
Trình Quốc hội đúng thời hạn các nhiệm vụ được ủy quyền
Báo cáo một số nội dung công tác tư pháp quý 1/2024, Chánh Văn phòng Đỗ Xuân Quý cho biết, trong quý I/2024, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện, đầy đủ và đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả nổi bật.
Trong quý I/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 văn bản do Bộ Tư pháp trình. Bộ Tư pháp cũng trình 5/5 văn bản, đề án theo Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm tiến độ trình Quốc hội đúng thời hạn các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền như dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Bên cạnh đó, công tác thẩm định, đề nghị xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được thực hiện đúng quy định. Tính đến 31/3, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 8 đề nghị xây dựng VBQPPL, 34 dự án, dự thảo VBQPPL.
Công tác kiểm tra, xử lý, rà soát VBQPPL tiếp tục được quan tâm, chú trọng, thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn ban hành văn bản của các bộ, ngành, địa phương và sự phản ánh, kiến nghị của cơ quan báo chí, người dân, tổ chức.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đã tổ chức triển khai thực hiện các quyết định về việc kiểm tra văn bản theo các chuyên đề; ban hành quyết định công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý.
Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức xem xét, xử lý đối với kết quả rà soát hệ thống VBQPPL; hoàn thành nhiệm vụ được giao thêm về rà soát, đề xuất phương án, lộ trình xử lý hơn 500 thủ tục hành chính theo 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.
Cũng trong quý I/2024, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024, trong đó tập trung vào lĩnh vực an toàn thực phẩm, quản lý thuế, lĩnh vực xuất bản, in ấn và phát hành xuất bản phẩm…
Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm phổ biến, quán triệt quy định mới của Luật Đất đai năm 2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Đất đai năm 2024 với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.
Hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về rà soát VBQPPL
Công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý... tiếp tục được tăng cường. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan tiếp tục hoàn thiện đối với các dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, như dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và một số văn bản hướng dẫn thi hành khác.
Công tác thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước, như xử lý vi phạm hành chính, bồi thường Nhà nước, kiểm tra VBQPPL, công chứng, trợ giúp pháp lý... được chú trọng thực hiện. Trong hoạt động trợ giúp pháp lý, cả nước đã thụ lý 5.330 vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng và có 3.160 vụ việc kết thúc. Tất cả các vụ việc thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng khá trở lên.
"Trong thời gian báo cáo, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công an nghiên cứu đẩy nhanh việc kết nối các phần mềm phục vụ thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dựng VneID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế; thực hiện phân quyền cho Sở Tư pháp tra cứu thông tin có trong Cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, theo đó, tính đến nay có 56/63 Sở Tư pháp thực hiện thử nghiệm tính năng phân quyền”, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết.
Đồng thời, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã giải quyết kịp thời khoảng 230.000 phiếu đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên; phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự và Phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính được Bộ Tư pháp chỉ đạo thực hiện thường xuyên, đạt nhiều kết quả tích cực. Việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ được Bộ Tư pháp chú trọng thực hiện.
Bộ đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về rà soát VBQPPL phục vụ triển khai Đề án; tiếp tục hoàn thiện các tính năng kỹ thuật phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, kịp thời hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử.