Bộ Tư pháp bàn về công tác trợ giúp pháp lý sau sáp nhập tỉnh

Trợ giúp pháp lý thích ứng mô hình chính quyền hai cấp, đảm bảo quyền lợi cho người dân sau sáp nhập.

Mới đây, tại trụ sở Sở Tư pháp TP.HCM, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Tọa đàm “Công tác trợ giúp pháp lý khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, sáp nhập tỉnh”.

 Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) chủ trì Tọa đàm.

Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác của Bộ, ngành tư pháp nói chung và công tác trợ giúp pháp lý nói riêng.

Ngày 9-4-2025, Bộ Tư pháp có Công văn số 1866/BTP-PLHSHC hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; trong đó hướng dẫn lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc ở địa phương về lĩnh vực này, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý tổ chức làm việc với các địa phương với tinh thần đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý.

 Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Tại Tọa đàm, bà Phan Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An đề xuất việc thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa bàn tỉnh tiến hành sáp nhập nên được quy định theo hướng mở, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh quy định phương án tổ chức các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh cho phù hợp với nhu cầu trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.

 Bà Phan Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An phát biểu tại Tọa đàm.

Bà Phan Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An phát biểu tại Tọa đàm.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương cho rằng các tỉnh/thành phố sau sáp nhập có thể tiếp tục duy trì số lượng các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với biên chế như trước khi tiến hành sắp xếp. Về việc phân cấp một số nhiệm vụ từ Trung ương cho địa phương, bà Nguyễn Anh Hoa nhận định, đây là bước đi nhằm tăng tính chủ động cho địa phương, khi được trao quyền, địa phương sẽ trực tiếp chỉ đạo thực hiện và đồng thời phải chịu trách nhiệm với kết quả của mình.

 Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương phát biểu tại Tọa đàm.

Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương phát biểu tại Tọa đàm.

Về vấn đề tổ chức bộ máy và biên chế của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Ông Huỳnh Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM cho rằng để ổn định bộ máy tổ chức của Trung tâm và phát triển sự nghiệp trợ giúp pháp lý ngày một tốt hơn, đề nghị giữ nguyên biên chế vì Trung tâm là đơn vị sự nghiệp dịch vụ công thiết yếu thuộc ngành tư pháp theo Quyết định số 2069 ngày 8-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

 Ông Huỳnh Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm.

Cũng tại tọa đàm, bà Lê Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhấn mạnh đặc thù của hoạt động trợ giúp pháp lý là cung cấp dịch vụ công thiết yếu miễn phí cho các nhóm yếu thế trong xã hội, những đối tượng này thường gặp khó khăn trong việc đi lại, tiếp cận với chính quyền nên tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cần phải gần dân, gần cơ sở thì mới có thể tiếp cận và thụ hưởng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.

"Do đó, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất tiếp tục duy trì mô hình tổ chức như trước khi sáp nhập tỉnh. Cụ thể, mỗi Trung tâm sẽ được giao phụ trách địa bàn nhất định trong phạm vi tỉnh, nhằm bảo đảm không gián đoạn việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người dân" - bà Thúy đề xuất.

Tăng cường phối hợp và ứng dụng CNTT trong công tác trợ giúp pháp lý

Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đánh giá cao và ghi nhận những đề xuất của các đại biểu tham dự, đồng thời, đề nghị địa phương tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp để công tác trợ giúp pháp tại địa bàn thực sự có chất lượng, hiệu quả, không bị gián đoạn, góp phần đảm bảo người dân thuộc diện được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, thuận tiện.

Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý tiếp tục phối hợp với các địa phương nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp đổi mới công tác trợ giúp pháp lý đáp ứng giai đoạn mới hiện nay và mong các địa phương tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, cụ thể là Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý trong quản lý và tổ chức thực hiện công tác trợ giúp pháp lý theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin cho công tác này.

TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-tu-phap-ban-ve-cong-tac-tro-giup-phap-ly-sau-sap-nhap-tinh-post844909.html
Zalo