Bộ trưởng Y tế: 6 nội dung cần ưu tiên triển khai nhân Ngày sức khỏe thế giới 2025

Hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4) năm 2025, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra chủ đề 'Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng' (Healthy beginnings, hopeful futures) nhằm thúc đẩy các quốc gia và cộng đồng quốc tế tăng cường những nỗ lực trong việc bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em để dự phòng, hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, tử vong ở bà mẹ, trẻ em...

 Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, phát biểu

Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế, phát biểu

Từ năm 1950, ngày 7/4 được lấy làm Ngày Sức khỏe Thế giới với mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe toàn cầu, đặc biệt là những thách thức sức khỏe mà cộng đồng thế giới đang phải đối mặt.

Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2025 được Tổ chức Y tế Thế giới phát động với chủ đề “Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng” nhằm thúc đẩy các quốc gia và cộng đồng quốc tế tăng cường những nỗ lực trong việc bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em để dự phòng, hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, tử vong ở bà mẹ, trẻ em với ưu tiên mang lại hạnh phúc lâu dài của phụ nữ và trẻ em.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 300.000 phụ nữ tử vong khi mang thai hoặc sinh con và hơn 2 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu tiên sau khi sinh; ước tính cứ 7 giây lại có 1 ca tử vong có thể phòng ngừa được. Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhưng có vai trò quyết định tới tương lai phát triển của đất nước, vì vậy phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, bà mẹ, trẻ em luôn có sự ưu tiên hàng đầu. Việt Nam luôn thể hiện những nỗ lực trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong nhiều năm qua, công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình quốc gia. Bộ Y tế cũng ban hành nhiều Kế hoạch hành động, đề án về phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, bà mẹ, trẻ em và tổ chức triển khai hiệu quả với những kết quả ấn tượng trong mục tiêu giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao: Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm trên 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn trên 44/100.000 trẻ đẻ sống năm 2023, - đứng thứ 4 các nước Đông Nam Á; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm hơn 4 lần từ 44‰ xuống còn 11,6‰; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm gần 4 lần, từ mức 58‰ xuống còn 16,9‰; đồng thời tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cũng giảm mạnh từ mức 53‰ xuống còn 9,7‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi là 18,2%. Việt Nam được đánh giá là một trong 6 nước trên thế giới đạt chuẩn về tỷ lệ giảm tử vong mẹ.

Ngày 3/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2025.

Tại Lễ mít-tinh, Đào Hồng Lan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, khẳng định: “Quán triệt quan điểm “Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển” và thực hiện tốt nhiệm vụ “Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo”; Bộ Y tế xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế tiếp tục thúc đẩy triển khai các giải pháp trọng tâm về phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, bà mẹ, trẻ em”.

Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2025

Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2025

Đồng thời, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã nêu 6 nội dung cần ưu tiên và triển khai ngay, đó là:

1. Tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách về công tác phòng bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận tới các dịch vụ y tế chất lượng, hiệu quả, nhất là các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.

2. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các Chương trình, Đề án, Kế hoạch của Chính phủ và Bộ Y tế về sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ để thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, tử vong trẻ em và cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khu vực nông thôn, khu vực nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

3. Ưu tiên tối đa nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, tử vong trẻ em và cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khu vực nông thôn, khu vực nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tiếp tục huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế để mở rộng các mô hình can thiệp nhằm tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, y tế dự phòng trong việc phòng các bệnh lây truyền từ mẹ sang con, dự phòng và sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe vị thành niên, nhất là với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; triển khai hiệu quả, an toàn tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em và phụ nữ, trong đó đảm bảo việc cung ứng vắc xin tiêm chủng mở rộng và bảo đảm tất cả trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

4. Triển khai đồng bộ các giải pháp nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế trong phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản.

5. Đẩy mạnh truyền thông, đa dạng hóa các hình thức, phương tiện truyền thông và hỗ trợ hiệu quả cho người dân tiếp cận dịch vụ phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khu vực nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

6. Tăng cường phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế, tích cực vận động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, quốc tế cho công tác phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, bà mẹ, trẻ em.

Đồng hành cùng ngành Y tế, công tác phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, bà mẹ, trẻ em cũng nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị; sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế và sự tham gia của cộng đồng xã hội. Ông Ngô Văn Cương, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, kêu gọi “Lực lượng thanh niên, đặc biệt là thanh niên ngành y tế, hãy là những người tiên phong trong việc thu hẹp khoảng cách này. Hãy đến với cộng đồng, đến với những nơi còn khó khăn, để mang theo tri thức, y đức và trái tim nhân ái, góp phần mang lại sự khởi đầu tốt đẹp cho mỗi em bé chào đời, cho mỗi người mẹ trẻ, và cho cả cộng đồng. Chúng ta cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, tăng cường dịch vụ y tế thân thiện với thanh niên, tạo điều kiện để các bạn trẻ tiếp cận thông tin và dịch vụ y tế một cách chủ động, an toàn, khoa học và không kỳ thị”.

Tại Lễ mít-tinh, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức khám, sàng lọc, tư vấn chăm sóc sức khỏe và tặng quà cho hơn 1.000 người dân và thiếu nhi, thanh niên trong độ tuổi tiền hôn nhân; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ban tổ chức cũng dành ra 10 phần quà hỗ trợ cho các bà mẹ có hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện Phụ sản Trung ương. Dự kiến trong tháng 4/2025, hơn 10.000 người dân tại các địa phương trên cả nước sẽ tiếp tục được tư vấn và hỗ trợ trong các chương trình khám bệnh của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.

Tại sự kiện, lãnh đạo Bộ Y tế, Trung ương Đoàn và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đã tiến hành nghi thức khởi động, cam kết tiếp tục những nỗ lực để bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là công tác phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, bà mẹ, trẻ em để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông điệp truyền thông hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới năm 2025

Một số thông điệp truyền thông hưởng ứng như sau:

1. Chăm sóc sức khỏe phụ nữ trước khi có thai- Bước chuẩn bị vững chắc cho mẹ khỏe, con khỏe.

2. Khám thai đầy đủ, sinh con an toàn - Bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.

3. Chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe toàn diện - Giúp mẹ và bé luôn khỏe mạnh, hạnh phúc.

4. Tăng cường chăm sóc y tế cho bà mẹ, trẻ em - Giảm nguy cơ mắc bệnh, đảm bảo tương lai tươi sáng.

5. Giữ gìn vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh - Bảo vệ mẹ và bé ngay từ những ngày đầu đời.

6. Nuôi con bằng sữa mẹ - Nguồn dinh dưỡng vàng cho những năm tháng đầu đời.

7. Dinh dưỡng đầy đủ, tiêm chủng đúng lịch - Trao cho trẻ em một khởi đầu tốt đẹp.

8. Trẻ em khỏe mạnh, thông minh từ những năm tháng đầu đời - Hãy quan tâm đến 1000 ngày vàng đầu tiên.

9. Cùng xây dựng môi trường sống xanh, không khói thuốc, không ô nhiễm - Mẹ khỏe, bé an toàn.

10. Mỗi bà mẹ khỏe mạnh là một gia đình hạnh phúc - Cùng nhau xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

11. Sức khỏe mẹ và bé là nền tảng của hạnh phúc gia đình - Hãy hành động ngay hôm nay.

12. Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em - Đầu tư cho tương lai hạnh phúc và thịnh vượng của Việt Nam.

13. Khởi đầu khỏe mạnh - Tương lai tươi sáng! Hãy cùng hành động vì sức khỏe bà mẹ và trẻ em ngay hôm nay.

14. Chung tay bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em - Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.

15. Cộng đồng chung tay, mẹ và bé an toàn - Hạnh phúc lan tỏa.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ngay-suc-khoe-the-gioi-2025-khoi-dau-khoe-manh-tuong-lai-tuoi-sang-20250403200451323.htm
Zalo