Bộ trưởng Tư pháp: 184 luật cần sửa đổi khi tinh gọn bộ máy
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết thông tin trên khi cùng đoàn công tác của bộ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vào chiều 11/12.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đánh giá, thời gian qua thành phố đạt rất nhiều kết quả cụ thể trong lĩnh vực tư pháp, thi hành án dân sự. Trong đó, để triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội và Nghị định 84 của Chính phủ, HĐND TPHCM đã ban hành 40 nghị quyết và UBND TPHCM đã ban hành 39 quyết định, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, TPHCM cũng luôn là địa phương có số việc và số tiền đi theo đứng đầu cả nước. Có những vụ rất phức tạp nhưng trong năm 2024 các cơ quan thi hành án dân sự của thành phố đã thi hành xong 58.000 việc (đạt tỷ lệ 83,28%) và 35.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu được giao.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhìn nhận tầm quan trọng của việc thể chế hóa những quy định, chủ trương của Đảng thành những quy định pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả sau khi sắp xếp, tinh gọn.
Bộ Tư pháp hiện đang thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tinh gọn bộ máy.
“Mới chỉ rà soát sơ bộ đã có tới 184 luật có liên quan đến tổ chức bộ máy cần phải sửa đổi, bổ sung, cộng với khoảng 200 nghị định, chưa kể những quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Hải Ninh cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, khi hợp nhất các bộ Trung ương với một lĩnh vực quản lý đa ngành, đa lĩnh vực mà không phân cấp, phân quyền thì chắc chắn một bộ trưởng tài giỏi đến đâu cũng không thể bao quát được tất cả các lĩnh vực đa ngành lớn đến vậy. Do đó, buộc phải phân cấp, phân quyền.
Với phân cấp, phân quyền, qua rà soát, Bộ Tư pháp xác định có khoảng 174 việc chuyên ngành cần phải sửa. Đó là chưa kể những nghị định có liên quan và những văn bản pháp luật khác.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, tới đây, với những chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan, các bộ, các cơ quan của Quốc hội sẽ tham mưu Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền để kỳ họp Quốc hội tháng 2/2025 sẽ sửa đổi những luật bắt buộc phải sửa đổi ngay nhằm giúp vận hành thông suốt bộ máy.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, dựa vào kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phân cấp, phân quyền, có thể tính toán sẽ sửa Luật Tổ chức Chính phủ hoặc Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong trường hợp chưa thật sự cần thiết thì có thể lùi việc này lại.
“Tại kỳ họp vào tháng 2 tới, Quốc hội sẽ ban hành một nghị quyết về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ theo sắp xếp mới để các bộ có thay đổi. Trong nghị quyết đó, có điều khoản để chuyển giao những nhiệm vụ từ các bộ trước khi sáp nhập, hợp nhất để tiếp tục làm nhiệm vụ trong những cơ quan, những bộ mới”, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh thông tin