Bộ trưởng Trần Hồng Minh lý giải việc không quy định giá sàn nhà ở xã hội
Trả lời góp ý của đại biểu về quy định giá sàn nhà ở xã hội, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho rằng, không thể quy định theo giá sàn do phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tới đây, ngành chức năng sẽ có hướng dẫn cụ thể để địa phương triển khai thực hiện.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ hơn
Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Các đại biểu đều đồng tình và đánh giá các nội dung được nêu trong dự thảo Nghị quyết rất nhân văn, đầy đủ và có lý có tình.
Góp ý vào dự thảo luật, các đại biểu tập trung vào một số nhóm vấn đề lớn như quỹ nhà ở Quốc gia; về giá thuê/thuê mua; tăng cường phát triển nhà cho thuê.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) góp ý vào dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Media Quốc hội.
Tham gia góp ý, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia là rất cần thiết.
"Bởi việc đầu tư nhà ở xã hội lợi nhuận thấp, nếu xây rồi cho thuê, giá thuê lại càng thấp nữa nên doanh nghiệp lâu nay ít mặn mà", ông Cường nói và cho rằng, cần phải đa dạng hóa nguồn cho Quỹ, khuyến khích người dân muốn được mua, được thuê nhà ở xã hội tích cực tiết kiệm tiền đóng góp vào quỹ.
Theo ông, kinh nghiệm thế giới cho thấy, các quỹ dành cho người mua nhà sẽ theo dõi, đánh giá người nào thường xuyên đóng tiền vào quỹ để quyết định lựa chọn người này trong tương lai có đủ khả năng mua nhà hay không.
Nếu họ tích lũy được ít, sẽ chuyển thành dạng thuê mua, hoặc nếu không có khả năng tích lũy được thì sẽ ưu tiên thuê.
ĐBQH: Rất nhiều cán bộ, công chức muốn mua nhà ở xã hội mà không thể tiếp cận
Nhiều chính sách đột phá làm nhà ở xã hội
Trình nhiều cơ chế, chính sách đột phá phát triển nhà ở xã hội
Vì vậy, đại biểu đề nghị nên mở rộng đối tượng đóng góp vào quỹ phát triển nhà ở với những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội và theo dõi quá trình đóng tiền, coi đây là một trong những tiêu chí để lựa chọn xem có được ưu tiên mua hay ưu tiên thuê mua/thuê.
Đồng thời, nguồn tiền đóng góp của những người dân này sẽ được dành để đầu tư cả cho nhà bán, chứ không phải chỉ thuê và thuê mua.
Về giải ngân quỹ tín dụng đầu tư phát triển nhà ở xã hội, hiện nay ngân hàng cam kết đã dành 120.000 tỷ đồng và gần đây lên 145.000 tỷ đồng nhưng trên thực tế giải ngân rất thấp vì nhiều nguyên nhân.
Trong đó, đại biểu Cường cho rằng, có một nguyên nhân là những doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội muốn vay tiền từ gói này nhưng dư nợ với các dự án khác đã nhiều. Như vậy họ không còn quyền để được tiếp cận tín dụng nữa.
Do vậy, có thể tách riêng phần dư nợ dành cho vay phát triển nhà ở xã hội, không tính chung với các dư nợ của các doanh nghiệp đã huy động vay cho sản xuất thương mại hoặc các dự án khác.
"Cứ doanh nghiệp nào có dự án nhà ở xã hội, cần vay tiền sẽ được vay theo gói 120.000 tỷ đồng", ông Cường góp ý.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) tham gia góp ý. Ảnh: Media Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) góp ý, dự thảo Nghị quyết nên bổ sung thêm hình thức thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội là "cá nhân được phép thuê".
Bởi thực tế nhiều người muốn tự thuê để chủ động về diện tích, địa điểm, thời hạn và đặc biệt là sắp tới đây sẽ có nhiều người chuyển cơ quan làm việc đến nơi mới, có nhu cầu thuê nhà.
Còn theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), hiện đang có hai vấn đề còn vướng liên quan đến nhà ở xã hội là thủ tục và giá.
Về thủ tục, ông An kiến nghị bổ sung cơ chế một cửa, một đầu mối trong xử lý mọi hồ sơ liên quan đến nhà ở xã hội.
"Việc này để tránh cho nhà đầu tư phải đi đến hết sở này đến sở khác để làm thủ tục", ông An nói và góp ý có thể áp dụng giao cho Sở Xây dựng tại các địa phương.
Về giá nhà, ông An cho rằng cấu phần giá thuê nhà khác giá bán, nên cần quy định riêng biệt và rõ ràng loại hình thuê nhà ở xã hội. Đồng thời, phân quyền cho chủ đầu tư được chủ động định giá và cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện cơ chế hậu kiểm.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng cần xem xét bổ sung quy định về khung giá trần hoặc giá sàn nhà ở xã hội theo từng khu vực.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Media Quốc hội.
Lược giản nhiều quy định, rút ngắn quy trình đầu tư
Giải trình làm rõ ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cảm ơn những ý kiến đóng góp sâu sắc của các đại biểu và cho biết sẽ tiếp thu, chỉnh lý nhằm đảm bảo nội dung dự thảo Nghị quyết sẽ giải quyết được những bất cập, vướng mắc, phát triển nhà ở xã hội nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh giải trình tiếp thu các ý kiến đại biểu. Ảnh: Phạm Thắng.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính phủ đã có đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Tuy nhiên thực tế trong 5 năm qua, trên cả nước mới có 679 dự án trong đó hoàn thành 108 dự án với 73.000 căn, tương đương 15% mục tiêu.
Riêng năm 2025, chỉ tiêu đặt ra là 100.000 căn nhưng đến nay mới hoàn thành 15.600 căn, khởi công 19.492 căn, như vậy mới đạt 44% mục tiêu.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì vướng mắc ở cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục.
Vì vậy, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết để đề xuất các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn. Trong đó, tập trung vào 2 nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất là thành lập Quỹ nhà ở quốc gia; quy định đối tượng thụ hưởng, giá mua, thuê, điều kiện được hưởng chính sách.
Nhóm thứ hai là các cơ chế, chính sách dành cho các nhà đầu tư bao gồm các trình tự, thủ tục, quy trình đầu tư dự án..., mục tiêu cao nhất là đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa quy trình, từ đó rút ngắn được thời gian thực hiện dự án.

Quang cảnh hội trường. Ảnh: Phạm Thắng.
"Theo quy định hiện hành, để giao chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội thông qua đấu thầu, riêng thực hiện trình tự, thủ tục có khi mất đến 300 ngày và nhiều quy định, quy trình khác rất mất thời gian.
Do đó, dự thảo Nghị quyết đã có nhiều quy định được lược giản, lồng ghép giúp giảm đáng kể thời gian làm thủ tục", Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết.
Trả lời góp ý của một số đại biểu về quy định giá sàn hay giá trần nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho rằng không thể quy định theo giá sàn do phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tới đây, ngành chức năng sẽ có hướng dẫn cụ thể để địa phương triển khai thực hiện.
"Đơn cử, sau khi thiết kế xong mẫu nhà, Sở Xây dựng và Sở Tài chính địa phương sẽ phê duyệt giá dự toán. Giá nhà ở xã hội chỉ được chênh khoảng 10% so với dự toán.
Nếu đưa ra một mức giá sàn thì khó thực hiện vì mỗi nơi có đơn giá vật liệu khác nhau, chi phí thi công cũng như nhiều yếu tố khác không địa phương nào giống địa phương nào", Bộ trưởng Trần Hồng Minh chia sẻ.