Bộ trưởng Nội vụ: Sáp nhập cấp tỉnh sẽ tăng số lượng đại biểu HĐND cho phù hợp
Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi quy định, số lượng đại biểu HĐND tỉnh được bầu tăng tối đa từ 75 lên 90 đại biểu, riêng hai thành phố lớn nhất cả nước được bầu 125 đại biểu.
Hà Nội và TPHCM được bầu 125 đại biểu
Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Dự án này sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, với chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ bản giữ như quy định hiện hành, chỉ tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo dự án luật trình Quốc hội, số lượng đại biểu HĐND tỉnh được bầu tăng tối đa từ 75 lên 90 đại biểu. Trong khi đó, số lượng đại biểu HĐND thành phố được bầu tăng tối đa từ 85 lên 90 đại biểu.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên cơ sở đó, dự án luật đã quy định nguyên tắc để xác định số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh. Cụ thể, tỉnh có từ 1.000.000 dân trở xuống được bầu 55 đại biểu; trên 1 triệu dân thì cứ thêm 70.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 90 đại biểu.
Đối với thành phố có từ 1,2 triệu dân trở xuống được bầu 55 đại biểu; trên 1,2 triệu dân thì cứ thêm 75.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 90 đại biểu.
Riêng đối với HĐND thành phố Hà Nội và TPHCM được bầu 125 đại biểu. Theo quy định hiện hành, TPHCM đang được bầu 95 đại biểu, còn HĐND thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô là 125 đại biểu.

Đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình biểu quyết thông qua các nghị quyết. Ảnh: Báo Ninh Bình.
Cấp xã tăng tối đa từ 30 lên 35 đại biểu
Với cấp xã, dự án luật cũng đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND tối đa từ 30 lên 35 đại biểu.
Với xã ở miền núi có từ 2.500 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu; trên 2.500 dân đến 5.000 dân được bầu 20 đại biểu; có trên 5.000 dân thì cứ thêm 1.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu (tổng số không quá 35 đại biểu).
Đối với xã không thuộc trường hợp trên, nếu có từ 10.000 dân trở xuống được bầu 20 đại biểu; có trên 10.000 dân thì cứ thêm 2.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.
Với phường ở miền núi có từ 10.000 dân trở xuống được bầu 20 đại biểu; có trên 10.000 dân thì cứ thêm 2.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.
Phường không thuộc trường hợp trên, có từ 15.000 dân trở xuống được bầu 20 đại biểu; có trên 15.000 dân thì cứ thêm 3.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.
Tại các đặc khu, xã, phường ở hải đảo có từ 2.500 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu; có trên 2.500 dân đến 5.000 dân được bầu 20 đại biểu; có trên 5.000 dân thì cứ thêm 1.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với chính quyền địa phương cấp xã theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, nhằm khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.