Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 7.000 viên chức có thể chuyển thành công chức

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, hiện có hơn 7.000 viên chức tại các bộ, ngành, địa phương sẽ được chuyển thành công chức.

Thông tin này được đưa ra tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình với Bộ Nội vụ vào ngày 16/9.

 Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi làm việc.

Làm việc như công chức nhưng hưởng lương viên chức

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết, hiện Bộ đang gặp vướng mắc về biên chế với Cục Tần số Vô tuyến điện và Cục Viễn thông.

Hiện hai Cục này có nhiều viên chức đang làm công việc của công chức từ rất lâu. Vì vậy, Bộ mong trong thời gian tới, Phó Thủ tướng quan tâm chỉ đạo sớm có cơ chế để chuyển những viên chức này thành công chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc này Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để báo cáo chính thức với Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã giao Ban Tổ chức Trung ương có giải pháp để chuyển những viên chức này thành công chức.

"Không riêng Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có hơn 7.000 viên chức cần chuyển thành công chức. Trong đó có các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ và các địa phương. Các cơ quan đang tiếp tục rà soát lại những trường hợp tương tự", Bộ trưởng Nội vụ cho hay.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân cho biết, thời gian qua có một số đơn vị vừa có chức năng quản lý, vừa có chức năng thu phí như: Bộ Thông tin và Truyền thông có Cục Tần số Vô tuyến điện và Cục Viễn thông; Bộ Ggiao thông vận tải có các cảng vụ, Cục Đăng kiểm, Cục Hàng không, Cục Hàng hải; Bộ Nông nghiệp và PTNT có Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật…

Trong quá trình xây dựng biên chế, các nhân sự ở các đơn vị này được xác định là viên chức nhưng thực chất, các cục này là cơ quan quản lý nhà nước thì phải là biên chế công chức. Theo quy định mới, tất cả những đơn vị này trở về cơ chế hoạt động như cơ quan quản lý nhà nước bình thường, không áp dụng như đơn vị sự nghiệp công lập.

"Nếu sau này các cục, vụ trên không áp dụng cơ chế đặc thù nữa, không được theo cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập nữa thì không biết họ hưởng lương công chức hay viên chức? Đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm hỗ trợ việc này", Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.

Rà soát để điều chỉnh một cách tổng thể

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long thông tin thêm, việc quản lý biên chế như phản ánh của các bộ, ngành đã tồn tại một thời gian dài và có rất nhiều đơn vị có hàng nghìn người nhưng không được giao một biên chế công chức nào hoặc có những đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước và có nguồn thu.

"Bộ Nội vụ đã có rà soát tổng hợp và thấy rằng những vị trí đó đúng là phải giao biên chế công chức. Hiện, cả nước có hơn 7.000 viên chức đúng ra là phải giao biên chế công chức. Việc này đã được báo cáo Bộ Chính trị", Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.

Theo ông Trương Hải Long, ngày 16/8 vừa qua, Bộ Chính trị đã có văn bản giao Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương rà soát tổng hợp số biên chế này để điều chỉnh một cách tổng thể. "Nếu chuyển hơn 7.000 viên chức này sang công chức thì vấn đề đặt ra là sẽ ảnh hưởng đến việc tinh giản biên chế công chức (làm tăng biên chế công chức - PV) và có thể việc tinh giản biên chế công chức lâu nay trở về gần như hòa", ông Long phân tích.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cần tính đến phương án các cơ quan hành chính có nguồn thu thì có thể áp dụng chế độ công chức hợp đồng. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu việc này để đưa vào chính sách tổng thể.

Thu nhập quá chênh lệch, rất khó giữ chân công chức làm chuyển đổi số

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho rằng, cần có cách thức để chia sẻ dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong ngành dọc. "Như vậy, trong ngành Thông tin và Truyền thông tôi sẽ nắm được một số thông tin về cán bộ của các Sở Thông tin và Truyền thông tại các địa phương. Việc này sẽ hỗ trợ trong việc luân chuyển, điều động cán bộ hay việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở địa phương cũng như Trung ương để biết được cán bộ nào phù hợp với công việc", ông Phương nói.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, vừa qua Bộ đã cử gần 10 cán bộ biệt phái về làm Giám đốc, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh, thành phố. Nếu cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức được chia sẻ thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện việc này tốt hơn và phát huy hiệu quả tính năng của cơ sở dữ liệu.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, hiện Bộ đang gặp khó khăn trong chính sách thu nhập đối với cán bộ làm công tác an toàn thông tin, chuyển đổi số.

Trước đây Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp xây dựng nghị định về nội dung này. Tuy nhiên, do việc triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024 nên các bộ thống nhất sau khi triển khai tiền lương mới sẽ thực hiện. Vì vậy, ông Phương rất mong Bộ Nội vụ phối hợp sớm để triển khai nội dung này.

"Đây thực sự là một khó khăn trong thu hút nguồn nhân lực của ngành. Bởi trong lĩnh vực này, lương ở ngoài cao hơn so với lương Nhà nước, có khi gấp 2, 3 lần. Vì vậy, phải có chế độ, chính sách bảo đảm thu nhập, đời sống cho anh em. Nếu để mức lương chênh lệch lớn như vậy thì rất khó giữ anh em ở lại", Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nói.

Theo VTC News

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bo-truong-noi-vu-pham-thi-thanh-tra-hon-7-000-vien-chuc-co-the-chuyen-thanh-cong-chuc-094754.bbg
Zalo