Bộ trưởng Nội vụ chỉ rõ những trường hợp chủ tịch tỉnh 'cầm tay, chỉ việc' cấp dưới

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ một số trường hợp cần thiết có sự tham gia trực tiếp của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh để đảm bảo chỉ đạo, điều hành không trì trệ, gián đoạn.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sáng nay (14/5) phát biểu giải trình tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Trong đó, bà Trà nhấn mạnh buổi thảo luận hôm nay được coi như một dấu ấn lịch sử, đột phá từ tư duy quản lý hành chính sang quản trị kiến tạo theo chủ trương Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nhằm xác lập cấu trúc pháp lý của chính quyền địa phương 2 cấp, trên nền tảng tuân thủ một số điều có liên quan đến Hiến pháp đang sửa đổi để thể chế hóa chủ trương của Đảng, các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương khi tiến hành cuộc cách mạng, tinh gọn bộ máy cả hệ thống chính trị.

Đồng thời, dự thảo luật cũng kế thừa, bổ sung, phân định rành mạch thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa chính quyền Trung ương với địa phương; giữa cấp chính quyền địa phương với nhau. Điều này sẽ làm cơ sở pháp lý để sửa đổi, bổ sung hoặc xây mới toàn bộ hệ thống pháp luật chuyên ngành theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”.

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Thiết lập cơ chế điều hành sáng tạo, linh hoạt

Đi vào nội dung cụ thể mà các đại biểu góp ý, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh yêu cầu phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền phải đảm bảo phù hợp với tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trong đó thực hiện theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, đặc biệt là giữa Trung ương với địa phương.

“Dự thảo đã xác lập đầy đủ về nguyên tắc, phạm vi, chủ đề, nội dung, hình thức, điều kiện để phân cấp, phân quyền và ủy quyền kèm theo cả cơ chế kiểm soát đảm bảo chính quyền địa phương vừa phát huy vai trò trong quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.

Cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Quốc hội rà soát kỹ lưỡng, dự liệu cả những vấn đề có thể phát sinh, từ đó thiết lập cơ chế điều hành sáng tạo, linh hoạt để chính quyền địa phương hoạt động thông suốt. Trong trường hợp cần thiết, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể kịp thời giải quyết vấn đề để đảm bảo điều hành không đình trệ, gián đoạn.

Liên quan đến ý kiến lo ngại về việc trường hợp cần thiết, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ "cầm tay, chỉ việc" cấp dưới, Bộ trưởng Nội vụ cho hay, trường hợp cần thiết ở đây là khi cơ quan chuyên môn hoặc cấp xã không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ nào đó; hoặc khi phát sinh vấn đề khẩn cấp, đột xuất, phức tạp, nhạy cảm vượt quá khả năng giải quyết ở cấp dưới, yêu cầu phải phản ứng nhanh và kịp thời; hoặc cũng có thể là khi Chủ tịch UBND tỉnh xác định có dấu hiệu trì trệ, né tránh, cần phải trực tiếp điều phối.

Về điều khoản chuyển tiếp, Bộ trưởng Nội vụ thông tin, ngay sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được bấm nút thông qua, Chính phủ sẽ ban hành 25 nghị định hướng dẫn địa phương vận hành theo mô hình 2 cấp; đồng thời thực hiện việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho chính quyền địa phương.

Bà Trà cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, hoàn thiện tối đa các ý kiến của đại biểu, trong đó có nội dung tăng cường vai trò của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND 2 cấp, đặc biệt là đối với cấp xã như một số đại biểu đã nêu.

Dự kiến Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sau khi được biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, sẽ có hiệu lực bắt đầu từ 1/7.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết hiện nay có 177 luật quy định thẩm quyền của các bộ trưởng, 152 luật quy định thẩm quyền cụ thể của Thủ tướng và có 170 luật quy định cụ thể về thẩm quyền của HĐND và UBND cấp huyện.

Qua rà soát, Bộ Nội vụ thấy, có 474 nhiệm vụ trong 104 luật và 249 nghị định và thông tư sẽ phân cấp cho chính quyền địa phương. Trong đó khoảng 140 nhiệm vụ phân định lại thẩm quyền cho chính quyền địa phương, 300 nhiệm vụ phân cho cấp xã là khoảng 300 nhiệm vụ cùng với 90/99 nhiệm vụ trong Luật Tổ chức chính quyền hiện hành.

Thế Vinh

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-truong-noi-vu-chi-ro-truong-hop-chu-tich-tinh-cam-tay-chi-viec-cap-duoi-2401042.html
Zalo