Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao 6 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành chứng khoán

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Việt Nam cần tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, an toàn, hấp dẫn để thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại lễ đánh Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2025, được tổ chức tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tổ chức ngày 2/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính

Nguyễn Văn Thắng đã giao 6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm nay với ngành chứng khoán.

Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2025. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2025. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, 2025 là một năm với những dấu mốc quan trọng, đây là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025, kỷ niệm 80 năm thành lập nước và 50 năm thống nhất đất nước. Đối với ngành tài chính và thị trường chứng khoán, đây cũng là năm có sự kiện quan trọng đó là 80 năm thành lập ngành tài chính, 25 năm thị trường chứng khoán tổ chức vận hành.

Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc, năm 2025 cần tăng tốc, bứt phá, khai thông các nguồn lực, tận dụng tối đa tiềm năng của đất nước, với yêu cầu kinh tế có những bước phát triển đột phá, bền vững.

Do đó, nhiệm vụ của ngành chứng khoán phải nỗ lực không ngừng, từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế; thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Việt Nam cần tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, an toàn, hấp dẫn để thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng với các bộ, ngành chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam tập trung, nỗ lực triển khai phát triển thị trường chứng khoán bền vững.

Cụ thể là tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm các nghị định và văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, triển khai Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030; trong đó, năm 2025 thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Đồng thời, đảm bảo hệ thống giao dịch lưu ký, thanh toán bù trừ trên thị trường chứng khoán liên tục, an toàn, thông suốt, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán sau giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thống nhất cho các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, các định chế tài chính trung gian và các nhà đầu tư.

Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu ngành chứng khoán sắp xếp và mở rộng thị trường, phân loại công ty niêm yết, đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm mới, dịch vụ mới trên thị trường; nghiên cứu xây dựng thị trường tín chỉ carbon thứ cấp và thị trường các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường giám sát kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và nghĩa vụ công bố thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu ngành chứng khoán chú trọng việc tuyên truyền và đào tạo, nâng cao năng lực cho nhà đầu tư cá nhân, cung cấp thông tin kịp thời chính xác cho nhà đầu tư; hạn chế tác động tâm lý do tin xấu, độc trên thị trường chứng khoán; thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam với các thị trường chứng khoán trong khu vực và thế giới.

“Tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của Chính phủ nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và những giải pháp nêu trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2025 phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, hiệu quả, bền vững cho doanh nghiệp, nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng của Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự kiến hết năm 2024, GDP của Việt Nam tăng khoảng 7%, đạt khoảng 470 tỷ USD, CPI dự kiến cả năm đạt khoảng 3,6%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là từ 4 - 4,5%.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2024 đạt khoảng hơn 780 tỷ USD; xuất siêu ước đạt gần 24 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, vượt trên 19% dự toán. Đây là kết quả rất đáng phấn khởi.

Với thị trường chứng khoán, năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực lớn từ thị trường kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khán quốc tế nhưng vẫn duy trì tốt và ổn định.

Thị trường tiếp tục là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Kết thúc năm 2024, chỉ số VN-Index đạt 1.266,78 điểm , tăng 12,11% so với cùng kỳ năm 2023. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.080.260 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, tương đương gần 70% GDP năm 2023. Giá trị giao dịch bình quân đạt 20.849 tỷ đồng/phiên và tăng 18,6% so với bình quân năm trước.

Thị trường có 720 cổ phiếu niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 888 cổ phiếu đang giao dịch trên thị thị trường UPCOM.

Năm 2024, thị trường chứng khoán được vận hành an toàn, ổn định và thông suốt, thanh khoản tăng mạnh. Lượng tài khoản nhà đầu tư đạt gần 9,16 triệu, tăng khoảng 26% so với năm 2023.

Tại lễ đánh cồng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, đây là buổi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm mới, nhằm khích lệ tinh thần cho công chúng đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và các thành viên thị trường.

“Năm 2025, ngành chứng khoán sẽ tập trung toàn tâm, toàn lực, thực hiện các mục tiêu, giải pháp xây dựng thị trường chứng khoán ngày càng công khai, minh bạch, an toàn, toàn diện và lành mạnh, hội nhập và phát triển, mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025, đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới vào giao dịch, đảm bảo đồng bộ và ổn định, an ninh, an toàn”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói.

Về diễn biến giao dịch sáng nay 2/1, các chỉ số chứng khoán vẫn diễn biến “lình xình”. Đến cuối phiên sáng, VN-Index giảm 2,11 điểm xuống 1.264,67 điểm; HNX-Index tăng nhẹ 0,03 điểm lên 227,46 điểm; UPCOM-Index giảm 0,47 điểm xuống 94,59 điểm.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bo-truong-nguyen-van-thang-giao-6-nhiem-vu-trong-tam-cho-nganh-chung-khoan/358823.html
Zalo