Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Càng ngày giá trị văn hóa càng điều tiết sự phát triển của quốc gia

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, với các quốc gia phát triển, văn hóa luôn được đề cao. Càng ngày giá trị của văn hóa càng điều tiết sự phát triển của quốc gia.

Sáng 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, có 300 đại biểu tham dự dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tham dự Hội nghị còn có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính; Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng lãnh đạo các bộ, ban...

Tại điểm cầu ở trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương; đại diện các nông dân tiêu biểu với dự kiến khoảng 4.000 đại biểu.

Tại Hội nghị, các đại biểu Hội Nông dân nêu các ý kiến, kiến nghị; chia sẻ các vấn đề mà nông dân quan tâm. Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa, du lịch nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024.

Chia sẻ với các đại biểu Hội Nông dân, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, chủ đề khát vọng làm giàu trong kỷ nguyên mới mà Hội Nông dân Việt Nam đưa ra là chủ đề lớn của cuộc đối thoại. Từ các ý kiến của đại biểu phát biểu tại hội nghị, dưới góc độ của ngành, Bộ VHTTDL cũng thu hoạch được nhiều bài học quý từ những người trực tiếp lao động, sản xuất.

"Đúng như Thủ tướng gợi ý, yếu tố văn hóa chưa được đẩy mạnh, phải chăng điều này đòi hỏi phải có khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương thì sẽ khai thác yếu tố văn hóa vùng miền", Bộ trưởng nêu vấn đề.

Tiếp cận theo hướng này, Bộ trưởng cho rằng, với các quốc gia phát triển, văn hóa luôn được đề cao. Văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa, là hai yếu tố không tách rời.

"Càng ngày giá trị của văn hóa càng điều tiết sự phát triển của quốc gia", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, lịch sử nước ta trải qua nhiều cuộc cách mạng về kinh tế khác nhau, đi qua nhiều nền văn minh, trong đó nền văn minh lúa nước đã để lại cho chúng ta nhiều vấn đề cần suy ngẫm trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Nền văn minh đó đã để lại nhiều di sản, với những lễ hội độc đáo, những sản phẩm đặc sắc (áo lụa Hà Đông, cà phê Tây Nguyên, vựa trái cây (dừa Bến Tre)…), lễ hội bánh chưng, bánh giầy, các làng nghề … để phát triển kinh tế nông nghiệp.

Kinh tế nông nghiệp phải dựa trên văn hóa và phải lồng ghép các yếu tố, để phát triển người nông dân đã vận dụng sáng tạo điều này, đã có nhiều làng bản và xã điển hình tiên tiến, trên nhiều đường làng, xã đã xuất hiện nhiều đường trồng hoa, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm mà điểm đến là từ các làng quê của chúng ta, thu hút nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa...

Người nông dân cũng khai thác được yếu tố ẩm thực phong phú trong phát triển du lịch. Các lễ hội do chính quyền địa phương, người dân tổ chức cũng đã mang lại hiệu quả kép, không chỉ là ngày hội mà là sự thụ hưởng, sinh hoạt về văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ với các đại biểu tại buổi đối thoại.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ với các đại biểu tại buổi đối thoại.

Về du lịch, Bộ trưởng cho biết, chúng ta có đầy đủ các căn cứ pháp lý, cơ chế để phát triển, điểm mấu chốt nhất được xác định là: "Muốn phát triển du lịch nông nghiệp thì sản phẩm phải đặc sắc, dịch vụ phải chuyên nghiệp, thủ tục phải nhanh gọn, giá cả phải cạnh tranh, môi trường phải xanh, sạch, đẹp, điểm đến phải thân thiện". Người nông dân phải là đại sứ du lịch.

"Chúng tôi cũng mong rằng, các đại biểu với vai trò là cơ quan của Trung ương hội, hội nông dân các cấp tiếp tục quán triệt, truyền đạt cho được các văn bản quy phạm pháp luật Đảng, Nhà nước đã ban hành để người nông dân nắm được", Bộ trưởng đề nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, Bộ VHTTDL phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) và tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất mở ra rất nhiều cơ chế, chính sách và điều kiện cho phát triển du lịch nông thôn.

Đồng suy nghĩ với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng về phát triển văn hóa, du lịch ở nông thôn, Bộ trưởng Bộ NNPTNN Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta hãy làm từ những chuyện đơn giản, từ tài nguyên xung quanh không gian tạo nên trải nghiệm cho du khách.

Đăng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bo-truong-nguyen-van-hung-cang-ngay-gia-tri-van-hoa-cang-dieu-tiet-su-phat-trien-cua-quoc-gia-20241231150123323.htm
Zalo