Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu 3 thách thức đặc thù của ngành giáo dục Thủ đô
Ngành giáo dục Thủ đô đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Ngày 12-11, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức lễ Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và đào tạo Thủ đô (1954-2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Niềm tự hào riêng có
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhắc lại những dấu mốc quan trọng của ngành giáo dục Thủ đô trong suốt chiều dài lịch sử.
“Thủ đô luôn là nơi tụ hội của đại trí thức, danh sư, là nơi các trường công, trường tư nhộn nhịp, thu hút học trò muôn phương về học tập và thi thố tài năng” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói, đồng thời khẳng định đây là niềm tự hào to lớn, riêng có.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trải qua 70 năm phát triển, ngành giáo dục Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh của mình với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước.
“Giáo dục Hà Nội đang từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Quy mô giáo dục Hà Nội hiện chiếm trên 10% quy mô giáo dục cả nước với gần 3.000 cơ sở giáo dục các cấp, khoảng 130.000 giáo viên, gần 2,3 triệu học sinh.
Hà Nội cũng là nơi tập trung 120 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng với gần 1 triệu sinh viên.
Hà Nội cũng là một trong những nơi tích cực và triển khai một cách bài bản, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà không ngừng được nâng cao, giáo dục mũi nhọn luôn đứng đầu cả nước với gần 2.500 giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và huy chương tại các kỳ thi quốc tế.
Báo cáo tại buổi lễ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết 70 năm trước (năm 1954), hàng vạn người dân Hà Nội đón đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô. Đó cũng là thời điểm ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô ra đời.
Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành phổ cập tiểu học vào năm 1990 và hoàn thành phổ cập THCS vào năm 1999.
Năm 2008, địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng, quy mô giáo dục trở nên lớn nhất nước với gần 2.600 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông, với gần 1,8 triệu học sinh.
"Sau 16 năm, giáo dục Thủ đô giữ vị thế dẫn đầu cả nước về giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng nhân tài" - ông Cương nói.
Hướng tới nền giáo dục thanh lịch
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong sự phát triển toàn diện con người, giáo dục Thủ đô cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung cả nước, tạo nên những công dân Thủ đô thanh lịch, có tầm văn hóa, trách nhiệm xã hội, biết sống hạnh phúc cho mình và cộng đồng.
“Đó là những công dân có phẩm chất văn hóa cao, có kỹ năng về khoa học công nghệ, là những công dân văn minh thanh lịch thời đại số, tốt chuyên môn, giỏi ngoại ngữ” - ông Sơn nói.
Để làm được điều này, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nền giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch. Trong đó, trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch.
Ở đó, trường học phải là nơi người học được đảm bảo an toàn, không có bạo lực học đường, không có nói tục chửi bậy, không ép buộc học thêm, tệ nạn bị tránh xa... Quan trọng nhất là ở đó, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm.
“Sự thanh lịch của giáo dục hoàn toàn có thể dựng xây trên nền những thành quả tốt đẹp tốt đẹp mà chúng ta đang có” - ông Sơn cho hay.
Những thách thức đặc thù
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ngoài những thách thức và cơ hội chung của toàn ngành giáo dục như cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một giai đoạn phát triển mới, triển khai thành công đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện ở tất cả các bậc học… thì giáo dục Thủ đô còn đối mặt với những thách thức đặc thù.
Cụ thể, Hà Nội có học sinh tập trung đông, phân bổ không đều và nhiều biến động, dẫn đến khó khăn trong phân tuyến, đáp ứng nhu cầu học tập lớn và tình trạng thiếu trường học công lập cục bộ tại một số khu vực.
Khoảng cách về chất lượng và điều kiện giáo dục giữa các trường ở nội thành và ngoại thành còn khá lớn.
Việc thiếu không gian, quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở một số quận nội thành, những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, các khu đô thị mới… còn nhiều thách thức.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng ngành giáo dục Thủ đô phải giải quyết những vấn đề cấp thiết trên để tạo lập một môi trường giáo dục có lề lối ngay ngắn, mà ở đó chất lượng giáo dục được đảm bảo, sự tôn nghiêm của nghề giáo được xem trọng, thầy tiêu biểu, trò tiêu biểu.