Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gợi mở phát triển giáo dục Quảng Trị
Làm việc với lãnh đạo Quảng Trị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã gợi mở hướng phát triển giáo dục địa phương trong thời gian tới.
Chiều 14/7, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn; lãnh đạo các Cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT.
Làm việc với đoàn công tác của Bộ trưởng có ông Lê Quang Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị và các Sở, ngành liên quan. Cùng tham gia có PGS.TS Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế.
Xây dựng đề án phát triển trường đại học
Tại buổi làm việc, PGS.TS Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế cho biết, Đại học Huế đang tích cực phối hợp với tỉnh Quảng Trị xây dựng đề án về hướng phát triển trường đại học ở Quảng Trị.
Theo phương án đưa ra, sẽ thành lập trường đại học tại Quảng Trị trực thuộc Đại học Huế, trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị với Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị.
Trước đề nghị của tỉnh Quảng Trị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc phát triển cơ sở đào tạo đại học tại Quảng Trị cần xác định rõ lộ trình, tính cấp thiết khi thành lập trường đại học. Theo đó, việc sáp nhập Trường Cao đẳng sư phạm vào Phân hiệu Đại học Huế phải tận dụng và phát huy điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ hiện có.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc định hướng phát triển cơ sở đào tạo đại học tại Quảng Trị phải gắn với nhu cầu thực tế và xu hướng ngành nghề của địa phương.
Trước mắt, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm vào Phân hiệu đại học Huế, tạo tiền đề sau này trở thành ĐH thành viên của ĐH Huế.
“Đại học Huế cùng với tỉnh Quảng Trị xây dựng chiến lược phát triển. Vấn đề quan trọng là cần có chiến lược tuyển sinh, làm sao để hấp dẫn người học, tạo cái gì hấp dẫn cho sinh viên chọn học”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Dành sự quan tâm cho giáo dục
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với tỉnh Quảng Trị là địa phương khó khăn nhất trong 14 tỉnh vùng Bắc trung bộ - duyên hải Trung bộ. Trải qua các cuộc kháng chiến, đất lửa Quảng Trị chịu thiệt hại, mất mát rất lớn ảnh hưởng về kinh tế xã hội trong đó có giáo dục và đào tạo.
Về phía Bộ GD&ĐT xác định, việc quan tâm đến giáo dục Quảng Trị không chỉ là nhiệm vụ của địa phương mà là trách nhiệm của cả nước và của ngành. Điều đáng mừng là trong điều kiện khó khăn, một số chỉ số cơ bản về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, kiên cố hóa trường lớp… rất khả quan. Điều đó thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các ban ngành, nhân nhân địa phương cho giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng ghi nhận sự cố gắng của địa phương, trong các chỉ số giáo dục khác như phổ cập giáo dục, huy động trẻ đến trường, điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trong các nhóm giải pháp, về tăng cường điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng giáo dục đối với Quảng Trị còn khó khăn so với địa phương khác. Bộ GD&ĐT sẽ lưu tâm đến vấn đề này trong xây dựng các dự án sắp tới và mong tỉnh phối hợp trong tham mưu, đề xuất với Trung ương.
Về vấn đề đội ngũ, địa phương cần lưu ý đến việc sử dụng, tuyển dụng giáo viên kịp thời, đúng, đủ biên chế được giao và đúng quy định, đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá cao công tác sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp, giảm gần 100 đầu mối. Cần tiếp tục rà soát, sắp xếp hợp lý.
Đối với các trường cao đẳng, ngoài Cao đẳng sư phạm thuộc quản lý chuyên môn của Bộ GD&ĐT. Bộ trưởng gợi ý, với hệ thống các trường cao đẳng, dạy nghề hiện nay cần “gom” lại thành một trường đào tạo đa nghề. “Riêng đối với trường sư phạm thì có những đặc thù, phải dựa trên nền tảng của khoa học cơ bản, khoa học giáo dục nên phải có con đường riêng, hướng đến một trường đại học để đào tạo giáo viên. Vì vậy, địa phương nên cân nhắc để định hướng phát triển đúng đắn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Khi tổ chức các nhiệm vụ giáo dục - đào tạo phải tính đến yếu tố vừa phát triển giáo dục mũi nhọn, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, vừa phải tính đến yếu tố công bằng trong giáo dục đối với vùng núi, vùng khó khăn, vùng hải đảo, học sinh dân tộc thiểu số.
Trong thời gian trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh Quảng Trị quan tâm rà soát, bổ sung trang thiết bị thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 cho năm học tới; tập huấn giáo viên… Đồng thời tăng cường chuẩn bị cho chương trình giáo dục mầm non mới.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, ông Lê Quang Tùng - Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đối với giáo dục và sự phát triển của địa phương.
Theo Bí thư Quảng Trị, Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung diễn ra hôm nay tại Quảng Trị mang nhiều ý nghĩa. Hội nghị là dịp để Bộ GD&ĐT cùng với các địa phương thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ hiện nay. Đồng thời, các địa phương có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được trong thời gian qua, trên cơ sở đó cùng nhau đề ra các giải pháp để phát triển giáo dục vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Ông Lê Quang Tùng cho biết, địa phương sẽ tiếp thu các ý kiến trao đổi của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đối với các ý kiến, đề xuất của tỉnh Quảng Trị để có những điều chỉnh và ra những quyết sách phù hợp nhằm phát triển giáo dục đào tạo.
Giáo dục đạt được nhiều kết quả nổi bật
Báo cáo về tình hình phát triển giáo dục Quảng Trị, ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, giáo dục Quảng Trị những năm gần đây đã có sự phát triển vượt bậc. Quy mô mạng lưới trường, lớp học đã được tổ chức, sắp xếp từng bước hợp lý, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em. Các loại hình trường lớp ngày càng đa dạng; loại hình giáo dục ngoài công lập ngày càng phát triển.
Tỉnh hiện có gần 400 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (giảm 108 đơn vị sự nghiệp công lập so với trước khi tổ chức sáp nhập). Ngoài ra, có 1 Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị, 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp.
Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì ổn định, chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước phát triển khởi sắc. Trong 5 năm qua, tỉnh có 135 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia THPT. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi, cuộc thi và sân chơi trí tuệ cấp quốc gia.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng lớn mạnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu về đổi mới giáo dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường. Thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, từ 2015 - 2022, tỉnh đã đầu tư xây dựng 236 phòng học, xóa phòng học tạm, mượn ở các xã đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí 140 tỷ đồng.
Công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ GD&ĐT công nhận tỉnh Quảng Trị đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2.