Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với thầy cô, học sinh, sinh viên đầu năm học mới

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho rằng: 'Chưa bao giờ ngành Giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay'.

Trong trách và vinh dự của ngành giáo dục ngày càng lớn

Ngày mai 5/9, cả nước sẽ tổ chức khai giảng chào mừng năm học mới. Đây là năm học có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ gửi tới toàn thể giáo viên, học sinh và sinh viên.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, kinh tế - xã hội của đất nước càng phát triển, càng đặt ra yêu cầu ngày càng cao với GD&ĐT. Chưa bao giờ ngành Giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay. Năm học vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

“Năm học 2023-2024 đã kết thúc với nhiều kết quả tốt đẹp, năm học mới sắp bắt đầu, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, của các các em học sinh, sinh viên trong năm học vừa qua”.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trước thềm năm học mới, Bộ trưởng mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng mới, quyết tâm mới, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

“Chúc các thầy cô sẽ thêm niềm vui, động lực để công tác và cống hiến. Chúc cho các em học sinh, sinh viên sẽ có một năm học mới với nhiều sáng tạo và tiến bộ”.

Năm học vừa qua, ngành giáo dục có nhiều dấu ấn lớn

Được biết năm học 2023-2024 vừa qua, là năm học đánh dấu 10 năm Nghị quyết 29 được triển khai. Thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, Ban Cán sự đảng Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29. Trên cơ sở đó, ngày 12/8 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 91 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29. Đây là tiền đề đặc biệt quan trọng để toàn ngành giáo dục, toàn xã hội cùng chung tay tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong bối cảnh, tình hình mới để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Năm học 2023-2024 tiếp tục là một năm thành công của giáo dục phổ thông mũi nhọn, khi các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế đến thời điểm này đã mang về 10 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen.

Đáng chú ý là đội tuyển Hóa học đứng thứ 2/89 quốc gia; đội tuyển Sinh học đứng thứ 3/81 quốc gia. Học sinh Việt Nam cũng giành thành tích tốt nhất (giải Nhì) kể từ khi tham dự tại Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế tổ chức tại Hoa Kỳ.

Đối với giáo dục đại học, năm học 2023-2024, tuyển sinh đại học ghi nhận số lượng thí sinh đăng ký lớn nhất trong nhiều năm qua, chất lượng đào tạo chuyển biến về chất; giáo dục thường xuyên và xây dựng xã hội học tập chuyển biến từ trong nhận thức đến hành động của xã hội.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trở thành một trong những điểm sáng của ngành Giáo dục với việc hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành; đồng bộ 24,55/25 triệu hồ sơ điện tử của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…, góp phần vào thành quả chung của đổi mới giáo dục và góp phần làm giàu cho nguồn tài nguyên số của quốc gia.

Số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng cao và có tính cạnh tranh lớn là dấu hiệu đáng mừng của những điều chỉnh chính sách với nhà giáo. Các chính sách điều chỉnh lương cơ sở có tác động tốt tới tâm lý, đời sống nhà giáo.

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần được triển khai trong năm học mới

Trong năm học tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, có nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Năm học 2024-2025, cùng với cả nước, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được giao tại Nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới GD&ĐT.

 Năm học 2024-2025 sẽ là một năm học đầy ý nghĩa của thầy cô và các em học sinh (ảnh Trinh Phúc).

Năm học 2024-2025 sẽ là một năm học đầy ý nghĩa của thầy cô và các em học sinh (ảnh Trinh Phúc).

Năm học mới với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, toàn ngành Giáo dục sẽ ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra.

Trong đó, tập trung triển khai ngay nội dung Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT;

Hoàn thành chu trình đầu tiên tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện thời gian qua; Chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục mầm non mới;

Tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây như Công điện ngày 23/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu ngay và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trên cơ sở đó ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp tinh thần thực tiễn, bảm đảm tính khả thi và hiệu quả.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đặc biệt sẽ dành ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo - dự án Luật sẽ giải quyết được một trong những vấn đề mấu chốt nhất của giáo dục, đó là phát triển đội ngũ nhà giáo.

Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 20230 và tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, cố gắng vượt qua những thách thức, hướng tới một năm học có kết quả tốt hơn nữa.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-chia-se-voi-thay-co-hoc-sinh-sinh-vien-dau-nam-hoc-moi-post310553.html
Zalo