Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024

Chiều ngày 8/10, tại thủ đô Viêng Chăn – CHDCND Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tháp tùng Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024.

Tự hào khi ASEAN tự lực, tự cường là tâm điểm tăng trưởng

Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 và 45 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024 và có bài phát biểu quan trọng.

Tham dự hội nghị cùng Thủ tướng về phía Việt Nam có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng đại diện một số bộ, ngành...

Hội nghị còn vinh dự được đón nguyên thủ các nước ASEAN và các nước đối tác của ASEAN đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị cũng như đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024 chiều ngày 8/10 tại Viêng Chăn - Lào

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024 chiều ngày 8/10 tại Viêng Chăn - Lào

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) là diễn đàn liên quan đến doanh nghiệp thường niên lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN.

ASEAN BIS 2024 sẽ được tổ chức trong 04 ngày từ 08-11/10/2024 tại Vientiane, Lào và tập trung thảo luận về các chủ đề doanh nghiệp khu vực đang quan tâm: chuyển đổi số, phát triển bền vững, an ninh lương thực, khả năng phục hồi sức khỏe, y tế đảm bảo hoạt động doanh nghiệp và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.

Ngoài ra, đại biểu dự ASEAN BIS cũng sẽ được nghe các tham luận từ các diễn giả uy tín là Bộ trưởng, quan chức cấp cao, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp lớn và uy tín trên toàn thế giới tới tham gia sự kiện.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn những tình cảm tốt đẹp, sự chuẩn bị chu đáo, đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình của nước chủ nhà Lào dành cho các đại biểu; chúc mừng các bạn Lào, trong vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) năm 2024, đã đề xuất và thúc đẩy triển khai nhiều sáng kiến thiết thực dưới chủ đề "ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường".

Theo Thủ tướng, trong những năm qua và hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Cạnh tranh địa chính trị gia tăng, nguy cơ gia tăng xung đột cục bộ; cạnh tranh thương mại gay gắt, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số...

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, ASEAN thống nhất trong đa dạng, tự lực, tự cường vẫn đứng vững và là tâm điểm của tăng trưởng. Đây là điều rất đáng tự hào.

Thủ tướng nêu rõ, trong thành tựu chung này có đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân các nước ASEAN. Doanh nghiệp phát triển được thì quốc gia phát triển được, doanh nghiệp của khối ASEAN phát triển thì các nước ASEAN phát triển, góp phần mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân.

"Chúng tôi luôn ghi nhận, cảm ơn và đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì nền kinh tế sẽ đình trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng. Các bạn đã đóng góp quan trọng, xứng đáng vào sự phát triển của các nước ASEAN", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục đóng góp để các nước ASEAN tiếp tục phát huy đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường và là tâm điểm của tăng trưởng, ủng hộ các Chính phủ thực hiện bằng được các mục tiêu đã đề ra.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện "5 tiên phong"

Phát biểu tại hội nghị này, Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong.

Thứ nhất, tiên phong đóng góp cho một ASEAN tự cường, tham gia xử lý các vấn đề mới nổi, các vấn đề toàn cầu, toàn dân. "Một ASEAN tự cường không thể thiếu một đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tự cường", Thủ tướng nhấn mạnh. Cụ thể hơn, các doanh nghiệp, doanh nhân cần tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật…

Thứ hai, tiên phong thúc đẩy kết nối nền kinh tế (gồm kết nối mềm như xây dựng thể chế, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng chính sách ưu tiên cho các lĩnh vực ưu tiên và kết nối cứng về hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, kết nối năng lượng…); lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển, mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các chính sách, không hy sinh công bằng, tiến bộ và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo một số bộ, ngành tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo một số bộ, ngành tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự hội nghị

Thứ ba, tiên phong thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, dịch bệnh và phát triển các lĩnh vực mới nổi, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đồng thời khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực từ mặt trái của phát triển khoa học công nghệ, nhất là chú trọng vấn đề an ninh mạng.

Thứ tư, tiên phong trong xây dựng hạ tầng chiến lược tại từng quốc gia và kết nối giữa các quốc gia, cụ thể là trong xây dựng chính sách, nâng cao năng lực quản trị, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng…

Thứ năm, tiên phong trong hội nhập nội khối ASEAN và với thế giới, trong bối cảnh không quốc gia nào có thể giải quyết các vấn đề toàn cầu, toàn dân, nên phải đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, mang lại lợi ích cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tạo thuận lợi nhất, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt cho doanh nghiệp

Chia sẻ về những yếu tố nền tảng phát triển, những thành tựu quan trọng của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Chia sẻ với các đại biểu về 6 nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong đối ngoại và hội nhập, phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kinh tế Việt Nam thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 34 trong số các nền kinh tế lớn và nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu; thu nhập bình quân đầu người đạt 4.300 USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 6,82%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3%, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 17,3%; xuất siêu 20,8 tỷ USD. Thu hút FDI đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6%; vốn FDI thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% (cao nhất trong 5 năm qua).

Với mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hơn 60 nước, vùng lãnh thổ.

Thủ tướng cho biết, cùng với việc thực hiện nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN và với các đối tác, Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Hiện nay, Việt Nam tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Việt Nam đang dành ưu tiên cao cho việc cải thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng chiến lược; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin, sản xuất chip bán dẫn và chuyển đổi số toàn diện.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Cảm ơn doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN đã đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy hết khả năng, sự sáng tạo của mình và đồng thời phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo với phương châm "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh", giảm chi phí tuân thủ, chi phí logistics cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài tiếp tục đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam trên tinh thần "4 cùng": "Cùng lắng nghe và thấu hiểu", "cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển", "cùng chung niềm vui, hạnh phúc và tự hào"; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Nguyên Minh - Nguyễn Cường từ thủ đổ Viêng Chăn - Lào

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-thap-tung-thu-tuong-du-hoi-nghi-thuong-dinh-kinh-doanh-va-dau-tu-asean-2024-351089.html
Zalo