Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 6 giải pháp để Đà Nẵng khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị thành phố Đà Nẵng thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng sản xuất xanh, công nghệ số, thân thiện môi trường.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với thành phố Đà Nẵng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố trong 8 tháng năm 2024 vào chiều nay 1/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã thông tin những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế của thành phố Đà Nẵng và đưa ra loạt giải pháp để Đà Nẵng phát triển hơn trong thời gian tới.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thành phố Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện, là khu vực trọng yếu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Vùng kinh tế động lực miền Trung, đồng thời thành phố cũng là điểm cuối của Hành lang Kinh tế Đông - Tây, cửa ngõ quan trọng ra biển Đông của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar.

Đà Nẵng có hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi với tất cả các loại đồng thời nằm trên con đường di sản miền Trung, sở hữu nhiều lớp trầm tích lịch sử, văn hóa, nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên theo Bộ trưởng, Đà Nẵng vẫn chưa khai thác tương xứng với tiềm năng và thế mạnh hiện có.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã nêu các nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ đó đưa ra nhiều giải pháp để Đà Nẵng khai thác tối đa tiềm năng, thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.

Trước hết, Đà Nẵng cần mở đợt sinh hoạt chính trị thật sâu rộng trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, nhằm vào 3 nội dung: (1) Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về quan điểm, chủ trương, cơ chế chín sách đặc thù để phát triển của Đà Nẵng; (2) Tổng kết, phổ biến cách làm hay, sáng tạo hiệu quả trong thời gian qua để nhân rộng, rút ra các bài học nhằm tránh lặp lại; (3) Triển khai các kế hoạch hành động của cấp Ủy, chính quyền thành phố, đặc biệt cần phân định rõ trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân để nhân lên niềm tự hào, tự tin, xác định rõ trách nhiệm mỗi tổ chức cá nhân để quyết liệt, vươn lên, thực hiện bằng được các mục tiêu mà Đảng, nhà nước, thành phố đề ra.

Thứ hai, trên cơ sở kết luận, Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và trên cơ sở Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành Quốc gia, thành phố cần khẩn trương rà soát để cập nhật và điều chỉnh quy hoạch thành phố cho đồng bộ để đủ cơ sở pháp lý triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, dự án vùng, ngành trên thành phố. Đồng thời áp dụng Luật Đất đai sửa đổi và cơ chế đặc thù của Trung ương cho thành phố để sẵn sàng có quỹ đất và mặt bằng sạch nhằm thu hút và triển khai các dự án đầu tư lớn sẽ triển khai trên địa bàn.

Thứ ba, tập trung huy động và đổi mới cách làm để đẩy nhanh việc triển khai, hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là với giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông kết nối giữa các phân khu chức năng của Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Khu thương mại tự do và Cảng Liên Chiểu.

Phối hợp với các Bộ ngành, địa phương liên quan để phát triển hạ tầng kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước đến với Khu thương mại tự do và Cảng Liên Chiểu bởi xong những việc cơ bản ấy thì mới có nhà đầu tư chiến lược vào các dự án chiến lược. "Khu thương mại tự do và cảng Liên Chiểu có tồn tại và phát huy được hay không thì phải có chân hàng và sản xuất, mà không chỉ sản xuất ở Đà Nẵng mà còn sản xuất ở các địa phương trong vùng", Bộ trưởng nói và cho biết thêm, cùng với triển khai xây dựng hạ tầng kết nối, Đà Nẵng cần triển khai đồng bộ việc nghiên cứu Quy hoạch phân khu chức năng, 2 bên trục giao thông kết nối để hình thành hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ và đô thị một cách đồng bộ để nâng tầm Khu thương mại tự do và khai thác triệt để Cảng Liên Chiểu.

"Việc Quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng trong hệ sinh thái thì nên để cho các nhà đầu tư đủ tầm triển khai thực hiện bởi chỉ nhà đầu tư mới biết cần làm gì và làm như thế nào để khai thác, phát huy hiệu quả", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi ý.

Thứ tư, cùng với chính sách đặc thù theo Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, thì Đà Nẵng cần tận dụng cơ hội khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính theo Nghị quyết 136 nhất là cấp cơ sở để tăng trách nhiệm của cán bộ khi thực thi công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết giảm chi phí tuân thủ để hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, chú trọng, xây dựng, hoàn thiện đề án đào tạo, đào tại lại, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong tương lai.

Thứ năm, về lĩnh vực công nghiệp thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị thành phố thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng sản xuất xanh, công nghệ số, thân thiện môi trường. Đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng thương mại (cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử). Đặc biệt chú trọng khai thác lợi thế của địa phương (có tiềm năng của du lịch quốc tế và trong nước; 5 phương thức vận tải thuận lợi...) để hút đầu tư vào logistic và đẩy mạnh thương mại điện tử; gắn thương mại với du lịch, gắn thương mại du lịch với phát triển kinh tế đêm và xuất khẩu tại chỗ.

Thứ sáu, có thể nói cơ hội Đà Nẵng là “ngàn năm có một”, vì vậy thành phố cần chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị thật sự vững mạnh, đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo nhân dân nhân dân và tương tác, hỗ trợ, các tỉnh, thành phố trong vùng cùng làm giàu cho thành phố. Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông và xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước để "đại bàng đẻ trứng" tại đây.

 Thủ tướng kiểm tra, khảo sát một số dự án trọng điểm của thành phố Đà Nẵng vào sáng 01/9/2024.

Thủ tướng kiểm tra, khảo sát một số dự án trọng điểm của thành phố Đà Nẵng vào sáng 01/9/2024.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, tại buổi làm việc hôm nay, thành phố Đà Nẵng có 02 kiến nghị liên quan đến ngành Công Thương. Với kiến nghị Bộ Công Thương ủy quyền cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thực hiện “Cấp các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa sản xuất tại các Khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng", theo Nghị định 31 năm 2018 và Nghị định 35 năm 2022, hiện Bộ Công Thương đang có một phòng thuộc Cục Xuất nhập khẩu đang làm việc tại Đà Nẵng nên có thể ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế cấp C/O cho hàng hóa sản xuất trong khu công nghiệp, khu kinh tế khi đáp ứng đủ điều kiện được ủy quyền.

"Riêng "Khu Thương mại tự do” chưa được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, nên về nguyên tắc, Bộ Công Thương sẽ đề nghị các cấp có thẩm quyền sửa lại các quy định", Bộ trưởng thông tin.

Đối với kiến nghị về việc xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp cấp vùng tại thành phố Đà Nẵng, theo Bộ trưởng, hiện Bộ Công Thương đang được Chính phủ cho phép xây dựng, vận hành 2 trung tâm hỗ trợ công nghiệp phía Bắc (tại Hà Nội) và phía Nam (tại TP. Hồ Chí Minh) và hiện chưa có chủ trương thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp cấp vùng tại miền Trung. Tuy nhiên các trung tâm này sẽ hỗ trợ Đà Nẵng trong việc nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại.

"Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị Đà Nẵng nên cơ cấu lại Trung tâm Khuyến công và Phòng Quản lý Công nghiệp thuộc Sở Công Thương thành phố thành một đơn vị để hợp tác với 2 Trung tâm của Bộ trong việc xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định", Bộ trưởng đề nghị.

Hạ Vĩ

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-neu-6-giai-phap-de-da-nang-khoi-thong-nguon-luc--thuc-day-tang-truong-126032.htm
Zalo