Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi mở giải pháp để Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Thái Nguyên khai thác lợi thế phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ logistics.

Sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Về phía Bộ Công Thương có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ,… thuộc Bộ; Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế. Cùng tham gia với đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam...

Về phía tỉnh Thái Nguyên có ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành đơn vị liên quan.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng

Tại buổi làm việc, ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, với sự cố gắng triển khai các phương án, giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tăng cường nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng vượt kế hoạch.

Ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu

Ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu

Hoạt động xuất nhập khẩu và thị trường nội địa cũng được phát triển khá đồng bộ, kể từ năm 2020 đến nay, Thái Nguyên luôn trong số 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước với tổng giá trị xuất khẩu hằng năm ở mức từ 26 - 31 tỷ USD.

Công tác cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số luôn được chú trọng. Năm 2023, Thái Nguyên tiếp tục duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS); đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX).

Cùng với phát triển kinh tế và các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, y tế, giáo dục đều được quan tâm thực hiện. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 113 triệu đồng, đứng thứ nhất trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Công tác đối ngoại ngày càng được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo giữ vững.

"Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương; sự giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan, đơn vị của Bộ để tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời giới thiệu các Tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư các dự án, công trình công nghiệp, thương mại, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh… góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025", ông Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh.

Phát huy các lợi thế

Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên trong việc phấn đấu đạt được các kết quả tích cực về chỉ số phát triển công nghiệp và thương mại như báo cáo của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng đó là những kết rất đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.

Theo Bộ trưởng, Thái Nguyên cùng với Bắc Kạn, Tuyên Quang từng được xem như "Thủ đô gió ngàn", "Thủ đô kháng chiến" của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó Thái Nguyên giữ vị trí trung tâm. Hiện nay, Thái Nguyên là một trong những tỉnh, thành phố tạo thành Vùng Thủ đô, có vị trí địa kinh tế thuận lợi và hệ thống giao thông kết nối tương đối đồng bộ, nhất là giao thông kết nối liên Vùng và kết nối quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi mở các nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại của tỉnh Thái Nguyên

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi mở các nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại của tỉnh Thái Nguyên

Tỉnh có quỹ đất công nghiệp lớn (trên 6.000 ha) và nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú, đa dạng (như vonfram, than, sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, vàng, thủy ngân,...); một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như: Vonfram đa kim trữ lượng khoảng 110 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới; than trữ lượng khoảng 90 triệu tấn, đứng thứ hai cả nước);

Đặc biệt, Thái Nguyên có bề dày kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp nặng; là "cái nôi" của ngành công nghiệp luyện kim cả nước…

Cùng với đó, tỉnh có dân số tương đối lớn với hơn 1,3 triệu người, trình độ học vấn khá cao và là trung tâm đào tạo lớn của cả nước với 9 trường đại học; 12 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trung tâm dạy nghề.

"Đây là những lợi thế nổi trội của tỉnh trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ logistics, nhất là các ngành công nghiệp có tính nền tảng như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, cơ khí chế tạo, luyện kim, khai khoáng, điện tử... Tỉnh cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn, có uy tín, kinh nghiệm, có khả năng dẫn dắt thị trường, tạo ra những chuỗi giá trị như: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Masan, Tập đoàn Central Retail..., tạo nền tảng để duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu ở mức cao hơn so với bình quân chung của cả nước", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Cũng theo Bộ trưởng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã khai thác, phát huy khá tốt các tiềm năng, thế mạnh của mình để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và nổi lên là cực tăng trưởng mới của cả nước với tốc độ tăng trưởng khá cao; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, tích cực và bứt phá ở khu vực công nghiệp (với tỷ trọng đạt gần 60% GRDP của tỉnh); hiện nay Thái Nguyên đang đứng đầu các tỉnh trong Vùng và đứng thứ 4 cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp.

Trong 7 tháng đầu năm nay, các chỉ số chính trong lĩnh vực công thương của tỉnh cơ bản đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước; một số chỉ tiêu (trừ sản xuất công nghiệp) tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước; nổi bật là:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 15%, cao gần gấp đôi so với cả nước (8,6%), đứng thứ nhất trong Vùng và thứ 33 cả nước;

Xuất khẩu đạt 15,2 tỷ USD, đóng góp gần 8% vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng 18,1%, cao hơn cả nước (14,9%), đứng thứ 8 trong Vùng và thứ 22 cả nước;

Hạ tầng thương mại của tỉnh tương đối phát triển, đứng thứ 2 trong vùng, tạo thuận lợi cho trao đổi mua bán của dân cư và thúc đẩy phát triển sản xuất.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực Công Thương của tỉnh còn có những hạn chế cần tập trung khắc phục, đó là: Sản xuất công nghiệp của tỉnh còn phụ thuộc lớn vào khu vực đầu tư nước ngoài (khu vực FDI chiếm 92,7% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh) và chủ yếu vẫn là công nghiệp gia công, giá trị gia tăng thấp. Khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển còn hạn chế, nhất là khả năng kết nối với khu vực FDI và tham gia cao chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.

Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp giữa các khu vực trong tỉnh chưa đồng đều (chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố, thị xã và một số huyện lân cận; sản xuất công nghiệp ở các huyện khác còn nhỏ bé), gây nguy cơ gia tăng khoảng cách giàu, nghèo giữa các địa phương trong tỉnh.

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh gần như không thay đổi trong giai đoạn vừa qua, chủ yếu vẫn là các mặt hàng do các doanh nghiệp FDI sản xuất, chưa xuất hiện nhiều mặt hàng mới và mở rộng thị trường mới.

Đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh đã đề ra. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của Vùng vào năm 2030 như tinh thần Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra các giải pháp:

Thứ nhất, đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định về giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (Các quy định mới về giảm 2% thuế VAT, chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; (Đặc biệt là các chính sách mới trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Chiến lược phát triển Hydrogen...

Đồng thời, tập trung rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của những dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn; rà soát, bãi bỏ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ các quy định, thủ tục, điều kiện kinh doanh không phù hợp, giúp giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được phê duyệt từ khá sớm so với các địa phương khác (tháng 3/2023). Tuy nhiên, Quy hoạch Vùng mới được phê duyệt tháng 5/2024 và nhiều quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt cùng thời điểm hoặc sau khi Quy hoạch của Tỉnh được phê duyệt, cho nên, chắc chắn là có những nội dung chưa được cập nhật một cách đầy đủ, đồng bộ trong quy hoạch của tỉnh.

Vì vậy, tỉnh cần chủ động rà soát, cập nhật và đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm phù hợp, liên thông với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp với quy hoạch tỉnh để có đầy đủ cơ sở pháp lý, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo dư địa, động lực tăng trưởng mới.

Thứ ba, khẩn trương triển khai thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn Tỉnh được quy hoạch 100 MW điện gió trên bờ và gần bờ; 10MW điện rác; 52MW ĐMTMN; 10MW điện sinh khối; 12 dự án lưới điện; 34 điểm mỏ khoáng sản (titan, chì, kẽm, sắt, thiếc, wolfram, đồng, vàng, quarzit); 02 dự án nhà máy luyện kim chì, kẽm.

"Như vậy, đến nay tỉnh đã có đầy đủ cơ sở để triển khai các dự án trên nên cần đẩy nhanh tiến độ lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai, bảo đảm đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững.

Để trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, theo tư lệnh ngành Công Thương, Thái Nguyên cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng mà tỉnh có thế mạnh như: Công nghiệp hỗ trợ, luyện kim, chế tạo, chế biến sâu các loại khoáng sản, vật liệu, điện tử…, gắn với tận dụng lợi thế, thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và chú trọng xử lý vấn đề môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, nhất là ngành chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng xuất khẩu.

Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là đối với các ngành hàng công nghệ cao như điện tử, máy vi tính và thiết bị điện, công nghiệp vật liệu mới và sản xuất kim loại.

Thu hút đầu tư chế biến sâu khoáng sản để tạo nguyên liệu đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử phát triển. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh và khu vực, đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong sản xuất công nghiệp.

Chú trọng rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi; thúc đẩy đầu tư công để dẫn dắt, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (nhất là ở khu vực phía Nam của tỉnh, gắn với sự phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Chủ động triển khai Luật Đất đai 2024 để phát triển quỹ đất sạch, đủ lớn, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, triển khai các dự án lớn, tạo tác động lan tỏa phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh địa phương.

Có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển các ngành chế biến nông, lâm sản và khai thác nguyên liệu sẵn có; chú trọng hình thành các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi để giải quyết việc làm tại chỗ và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các địa phương trong tỉnh.

Thứ năm, về phát triển thương mại, tỉnh cần hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên, nhất là các FTA thế hệ mới để phát triển sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực xúc tiến thương mại của doanh nghiệp; chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới.

Cùng với đó, củng cố, phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại; kết hợp hài hòa giữa phát triển các loại hình thương mại truyền thống gắn với phát triển thương mại điện tử. Chú trọng công tác xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm đặc trưng của địa phương

Quan tâm hơn cho đầu tư phát triển hạ tầng thương mại ở nông thôn, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại giữa thành thị và nông thôn.

Đối với 11 kiến nghị, thuộc các lĩnh vực năng lượng, phát triển công nghiệp, khoáng sản, cụm công nghiệp và thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh đại diện các đơn vị tham gia Đoàn công tác đã trao đổi, giải đáp cơ bản các kiến nghị của tỉnh. Sau hội nghị này, Bộ sẽ văn bản hóa kết luận chính thức, trong đó có việc giải đáp cụ thể những kiến nghị, đề xuất của tỉnh để làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện.

Về phát triển thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia cho địa phương nhất là nông sản, đề nghị Cục Xúc tiến thương mại; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hỗ trợ cho tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài ra, có một số kiến nghị khác liên quan đến chức năng của các Bộ, ngành khác và thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, chuyển đến các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Trong khuôn khổ buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chứng kiến Tập đoàn Hòa Phát trao tặng xây dựng công trình trường tiểu học và mầm non tại huyện Đồng Hỷ

Trong khuôn khổ buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chứng kiến Tập đoàn Hòa Phát trao tặng xây dựng công trình trường tiểu học và mầm non tại huyện Đồng Hỷ

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên

Thảo Nguyên - Cấn Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-goi-mo-giai-phap-de-thai-nguyen-tro-thanh-trung-tam-kinh-te-cong-nghiep-hien-dai-339116.html
Zalo