Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo loạt giải pháp mạnh cho các dự án điện

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 01 của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, dự án nguồn chậm tiến độ có nguy cơ bị thu hồi.

Chiều 7/1, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị triển khai Chỉ thị 01 với 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, EVN, PVN và chủ đầu tư các dự án điện cùng lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện liên quan thuộc Bộ Công Thương.

Ngày 3/1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 (Chỉ thị 01).

Hội nghị đã nghe báo cáo tổng quan về tình hình triển khai dự án nguồn và truyền tải theo Quy hoạch điện VIII. Hội nghị đã có 10 lượt ý kiến phát biểu của lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan, đặc biệt là ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân công chỉ đạo lĩnh vực này.

Khẩn trương triển khai các dự án theo Quy hoạch điện VIII

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá: Nhìn chung, các ý kiến đều thống nhất với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện là một trong những yếu tố nền tảng đảm bảo cho kinh tế của Việt Nam tăng tốc, bứt phá trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Bộ trưởng nhấn mạnh, để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng GDP từ 8 - 10% mỗi năm trở lên, tăng trưởng điện năng của chúng ta phải đạt mức từ 12 - 16%/năm trở lên. Như vậy, tương ứng từ nay đến năm 2030, Việt Nam phải tăng thêm về nguồn khoảng từ 10.000 - 12.000MW. Tương ứng nguồn, hệ thống truyền tải để giải tỏa công suất liên miền và nội miền đều phải được quan tâm.

“Liên miền thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, nội miền thuộc trách nhiệm của các địa phương. Do vậy, đòi hỏi tất cả chúng ta phải vào cuộc mới giải quyết được” - Bộ trưởng khẳng định.

Để chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo và có kết luận như sau:

Thứ nhất, đối với các dự án nguồn điện, dự án Nhơn Trạch 3, 4 đã xác định phải đưa vào vận hành quý 1/2025, đề nghị chủ đầu tư quyết liệt hoàn tất các thủ tục cần thiết phấn đấu hòa lưới điện, phát điện thương mại trong quý 1, muộn nhất quý 2/2025. Bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng.

Thứ hai, đối với các dự án điện khí đã có chủ đầu tư bao gồm: Hiệp Phước giai đoạn 1, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Trạch 2, Hải Lăng giai đoạn 1, BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II, Bạc Liêu, Long An, Ô Môn 1,2,3,4 đề nghị các chủ đầu tư rất khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành đưa vào vận hành trước năm 2030.

Bộ trưởng cũng chia sẻ thẳng thắn với các nhà đầu tư, trong thời gian này, nếu nhà đầu tư nào thấy đuối sức, chủ động đề xuất để nhà đầu tư mới làm. Nếu cố, để chậm tiến độ, không những bị phạt tiến độ mà có thể bị thu hồi theo Luật Điện lực, thiệt hại rất lớn.

“Liên quan đến các vướng mắc Luật Điện lực và các luật liên quan đã tháo gỡ, giá các loại hình điện năng cơ bản đã có, hiện chỉ có giá điện gió ngoài khơi đang xây dựng” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thứ ba, đối với các dự án chưa có chủ đầu tư bao gồm: Thanh Hóa, Nghệ An và Ninh Thuận, Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải lựa chọn được nhà đầu tư chậm nhất quý 1/2025. Đồng thời, đề nghị các địa phương không nên gộp dự án nhà máy với dự án về hạ tầng khí (kho, bãi, cảng).

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Bộ trưởng chỉ rõ: “Quy hoạch kho bãi cảng chuyên dụng cho khí đã được xác định trong quy hoạch hạ tầng xăng dầu khí đốt quốc gia. Các nhà đầu tư nào thấy quy hoạch của mình đã được duyệt phù hợp với quy hoạch hạ tầng xăng dầu khí đốt quốc gia, hãy đề xuất gộp vào trong dự án điện khí của mình, còn nếu không tách ra. Trong thông báo của Bộ Công Thương cũng nêu rõ để các nhà đầu tư và các địa phương đừng hiểu lầm thông tin”.

Thứ tư, đối với PVN, cần căn cứ quy định pháp luật khẩn trương ký hợp đồng mua bán khí với chủ đầu tư dự án trong chuỗi khí Lô B và phấn đấu hoàn thành các dự án điện khí Ô Môn 3,4 với vai trò la chủ đầu tư.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn

Đối với EVN, cần đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các dự án nguồn điện đang triển khai sớm so với kế hoạch từ 6 tháng trở lên.

Bộ trưởng đề nghị: “Dự án nào cũng phải sớm so với kế hoạch, đặc biệt dự án Quảng Trạch 1 trong năm 2027, Hòa Bình mở rộng trong 2025, Trị An mở rộng và Thủy điện tích năng Bắc Ái được khởi động trong quý 1/2025.

Các dự án nguồn khác mà EVN đang triển khai, có cả dự án liên danh với nhà đầu tư Thái Lan, nếu như nhà đầu tư Thái Lan và Malaysia không thực hiện được thì EVN cũng rà soát lại năng lực của mình và đề xuất trong tháng 1/2025.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Cấn Dũng

Đối với EVN, PVN, TKV cần rà soát chỉ đạo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý của tập đoàn để làm tốt công tác chuẩn bị sản xuất, bảo đảm hiệu quả vận hành có thể huy động tối đa công suất phát điện trong tháng cao điểm mùa khô 2025 theo kế hoạch cung ứng điện, điều độ cung cấp than, khí được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt vào tháng 11/2024 và kế hoạch điều chỉnh vào tháng 12/2024.

Về các dự án truyền tải, Bộ trưởng đề nghị, EVN nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án truyền tải theo Quy hoạch điện VIII, tăng cường liên kết giữa các khu vực, tăng khả năng vận hành an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia, sớm hoàn thành các dự án truyền tải phục vụ giải tỏa công suất của các nhà máy như: Nhơn Trạch 3,4. Khẩn trương triển khai thi công đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên để đưa vào vận hành trong năm 2025.

Rà soát tất cả các dự án nằm trong quy hoạch điện VIII, nhất là các dự án điện khí. Các dự án đảm bảo tiến độ thì chúng ta phải bảo đảm đầu tư hệ thống truyền tải giải tỏa công suất theo tiến độ.

Đề nghị các địa phương triển khai tích cực để thu hút đầu tư vào hệ thống truyền tải điện theo phân cấp (dưới 110kV) tạo thuận lợi để EVN cũng như các chủ đầu tư triển khai các dự án truyền tải liên miền theo Quy hoạch điện VIII được duyệt.

EVN phải tập trung thi công hoàn thành đường dây 500kV Mosoon - Thạnh Mỹ vào quý 1/2025 và 220kV Nậm Sum - Nông Cống và hoàn thành muộn nhất vào quý 2/2025. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường dây truyền tải các công trình thủy điện và nhiệt điện từ Lào bắt đầu tư năm 2025.

EVN khẩn trương đề xuất chủ trương đầu tư các dự án truyền tải theo Quy hoạch điện VIII, đặc biệt các dự án truyền tải để giải tỏa công suất các nhà máy điện khí cũng như là các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được xác định địa điểm trong tương lai gần.

Trình Chính phủ nhu cầu đầu tư điện gió đợt 1 trong tháng 1/2025

Tại hội nghị, Bộ trưởng cũng đề nghị các nhà đầu tư quan tâm đầu tư về hệ thống truyền tải. Theo Bộ trưởng, nguồn điện có biểu giá phù hợp rồi, truyền tải cũng có biểu giá đủ để chúng ta cân đối, do vậy, đề nghị nhà đầu tư tính toán theo phương án này để triển khai cho đồng bộ.

Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Ảnh: Cấn Dũng

Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Ảnh: Cấn Dũng

Đối với dự án điện gió ngoài khơi, tại hội nghị, các địa phương và doanh nghiệp không có đề xuất cụ thể. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tập hợp nhu cầu mà các địa phương doanh nghiệp đề xuất, chấm dứt đợt 1 trước ngày 20/1/2025 để Bộ thẩm định sơ bộ trình Chính phủ cho phép triển khai 6.000 MW giai đoạn 1. Đồng thời, quyết liệt triển khai các bước để cần thiết rà soát bổ sung trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, theo hướng phát huy tối đa điện gió kể cả điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi để phục vụ nhu cầu trong nước (để thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, thực hiện cơ chế điều chế hydrogen, làm nguyên liệu đầu vào cho các dự án đốt kèm điện than cũng như phát điện khí hydrogen trong tương lai) và nhu cầu xuất khẩu.

Bộ trưởng giao EVN, Cục Điều tiết điện lực khẩn trương hoàn tất các thủ tục để Bộ xem xét ban hành khung giá đối với điện gió ngoài khơi cũng như khung giá của các công đoạn quy trình cần thiết giúp cho nhà đầu tư có điều kiện cần thiết phê duyệt các dự án đầu tư cũng như triển khai các dự án để đảm bảo yên tâm trong quá trình thực hiện.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát để bổ sung vị trí cụ thể trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và điều này được thực hiện càng sớm càng tốt. Theo Bộ trưởng, đến ngày 28/2/2025 sẽ có quy hoạch điện VIII điều chỉnh và ngay sau đó Bộ Công Thương phải xây dựng và công bố kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh điều này mang lại dư địa rất lớn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên nhà đầu tư nào đã được lựa chọn phải làm, không làm sẽ bị phạt.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan cùng với các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp đỡ các nhà đầu tư hoàn tất thủ tục tiến hành khảo sát trên biển, cả khảo sát về gió và đáy biển theo quy định.

Theo Bộ trưởng, thời gian khảo sát tối thiểu mất 12 tháng còn không 18-24 tháng. Nếu được Chính phủ đồng ý thì có thể giao ngay cho các nhà đầu tư triển khai trong tháng 2/2025 để kịp tiến độ khảo sát.…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, dự án nguồn không đảm bảo tiến độ có nguy cơ bị thu hồi dự án. Ảnh: Cấn Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, dự án nguồn không đảm bảo tiến độ có nguy cơ bị thu hồi dự án. Ảnh: Cấn Dũng

“Thời hạn sau này, khi trình Chính phủ cơ chế cho các nhà đầu tư được hưởng cơ chế giá theo Nghị định ban hành, phải nghiên cứu, mở rộng đến năm 2032 hoặc 2034 do điện gió ngoài khơi mất nhiều thời gian khảo sát” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ trưởng theo thông báo, kết luận các kỳ giao ban và kỳ họp.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Điện lực để trình Chính phủ và trình Bộ ban hành áp dụng từ 1/2/2025.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với Viện Năng lượng khẩn trương hoàn thành rà soát trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trước 28/2/2025.

Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia theo dõi tiến độ các dự án thuộc Quyết định 270 ngày 2/4/2024 của Thủ tướng và tiếp tục nghiên cứu đề xuất đưa vào chương trình giao ban định kỳ những nội dung liên quan đến các dự án trọng điểm nguồn và truyền tải hay các dự án liên quan đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Qua đó, để chúng ta đôn đốc chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-chi-dao-loat-giai-phap-manh-cho-cac-du-an-dien-368446.html
Zalo