Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Quan tâm chăm sóc, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều

Chiều 11/5, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường do đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang về tình hình sản xuất và xuất khẩu nông sản. Cùng đi có đại diện lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Nguyễn Việt Oanh, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, huyện Tân Yên, Lục Ngạn, thị xã Chũ và một số doanh nghiệp thu mua, chế biến vải thiều.

Bảo đảm chất lượng sản phẩm, chủ động xúc tiến tiêu thụ

Bắc Giang xác định phát triển nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là trụ đỡ của nền kinh tế. Nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, phát triển theo lợi thế từng địa phương.

 Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Trong đó, vải thiều là sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước với diện tích khoảng 29.700 ha. Hiện nay, các trà vải đang giai đoạn phát triển quả. Vải sớm dự kiến bắt đầu thu hoạch từ ngày 20/5 đến 15/6, vải chính vụ bắt đầu thu hoạch từ ngày 10/6 đến 20/7.

Bắc Giang coi chất lượng sản phẩm là yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị sản phẩm. Cùng đó, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Thời gian tới, tỉnh dự kiến tổ chức chuỗi các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh như: Tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang năm 2025; Tuần lễ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; tổ chức đoàn công tác xúc tiến thương mại vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh tham dự hội chợ thương mại xuất nhập khẩu Trung Quốc-ASEAN; chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh tại thị trường châu Âu...

 Đoàn công tác thăm dây chuyền chế biến nông sản tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (thành phố Bắc Giang).

Đoàn công tác thăm dây chuyền chế biến nông sản tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (thành phố Bắc Giang).

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn nông dân tuân thủ chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vải thiều; thu hoạch quả đúng độ chín, đáp ứng tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chế biến nông sản nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra; giám sát chặt chẽ vùng trồng và cơ sở đóng gói theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đề nghị hỗ trợ mở rộng thị trường, nghiên cứu tạo giống mới

Để có vụ vải thiều thành công, một số đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc Bộ hỗ trợ, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, dự tính, dự báo phòng trừ sâu bệnh, tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm nay.

 Đồng chí Nguyễn Việt Oanh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Việt Oanh phát biểu tại hội nghị.

Hoàn thiện các điều kiện chiếu xạ theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ đối với Trung tâm chiếu xạ Hà Nội hoặc xây dựng mới cơ sở chiếu xạ tại miền Bắc để chủ động thực hiện cho chiếu xạ nông sản, trong đó có quả vải thiều xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Úc... Chỉ đạo các viện, trường nghiên cứu tạo ra các giống vải yêu cầu ít khắt khe về nhiệt độ thấp để ứng phó với biến đổi khí hậu trong điều kiện thời tiết có xu hướng nóng lên; chọn tạo các giống vải mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương để bổ sung vào cơ cấu giống vải của tỉnh, nhất là đối với nhóm giống vải chín sớm để mở rộng diện tích vải chín sớm chiếm từ 30-35% nhằm rải vụ thu hoạch. Nghiên cứu, chuyển giao các biện pháp kỹ thuật sản xuất vải thiều thích ứng với điều kiện mùa đông nóng, lạnh bất thường để tăng khả năng ra hoa, đậu quả vải, tránh hiện tượng mất mùa vải hoặc sản xuất vải thiều trái vụ và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại vải thiều hiệu quả, nhất là đối với sâu đục cuống quả vải.

Nghiên cứu các giải pháp bảo quản vải thiều gắn với chuẩn hóa quy trình logistics để vận chuyển quả vải thiều có chất lượng tốt nhất đến với từng thị trường.

Tiếp tục hỗ trợ tỉnh quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, nhất là đối với các nông sản chủ lực như: Vải thiều, rau an toàn, rau chế biến.

Một số doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ vốn, kết nối giúp doanh nghiệp xây dựng vùng trồng sản phẩm chất lượng; nghiên cứu công nghệ xử lý phần thải ra từ sau chế biến vải như: Hạt, vỏ quả; có giải pháp bảo đảm minh bạch nguồn gốc sản phẩm để người dân sản xuất sản phẩm sạch được hưởng đúng với công sức bỏ ra, không đánh đồng sản phẩm; tăng cường liên kết, tạo chuỗi sản phẩm tiêu thụ ổn định.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Việt Oanh cho biết, những tín hiệu tích cực từ vụ vải thiều là triển vọng cho tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh trong năm nay. Những năm qua, Bắc Giang luôn quy hoạch, xác định rõ các vùng sản xuất nông nghiệp và coi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế mặc dù chiếm tỷ trọng không cao trong nền kinh tế.

 Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trao đổi với doanh nghiệp thu mua vải thiều.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trao đổi với doanh nghiệp thu mua vải thiều.

Thời gian tới, Bắc Giang vẫn tiếp tục quan tâm phát triển nông nghiệp thông qua chính sách hỗ trợ hợp tác xã để xây dựng, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Vì vậy, Bắc Giang luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp. Bắc Giang mong muốn tiếp tục được Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm hỗ trợ; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp đánh giá chất đất, thực hiện tiến bộ khoa học trên vải thiều để rải vụ thu hoạch, chế biến sâu, nâng chất lượng sản phẩm.

Đồng hành tạo luồng xanh cho tiêu thụ vải thiều

Kết luận hội nghị, đồng chí Đỗ Đức Duy đánh giá, Bắc Giang là một trong những địa phương phát triển nông nghiệp tốt. Riêng vải thiều có sức cạnh tranh lớn so với các quốc gia khác. Qua thực tế cho thấy, tín hiệu năm nay bà con được mùa vải thiều song làm thế nào giải được bài toán tiêu thụ sản phẩm, vừa nâng cao chất lượng, giá trị quả vải.

Vải thiều có đặc thù thu hoạch tập trung trong thời gian ngắn, tiêu thụ chủ yếu dạng quả tươi. Những năm qua, Bộ luôn quan tâm đến sản phẩm này nhằm mang lại thu nhập cao cho người dân và các ngành phụ trợ. Làm tốt sản xuất, tiêu thụ vải thiều sẽ đóng góp lớn cho ngành nông nghiệp Bắc Giang nói chung và ngành nông lâm thủy sản cả nước.

 Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kết luận buổi làm việc.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kết luận buổi làm việc.

Nhân dịp này, đồng chí cũng biểu dương nỗ lực của Bắc Giang trong suốt quá trình xây dựng, phát triển vùng chuyên canh vải thiều. Đến nay vải thiều đã trở thành sản phẩm thế mạnh quốc gia với quy mô đủ lớn, kỹ thuật canh tác ngày được hoàn thiện theo quy trình tiên tiến, thông minh, xuất khẩu ngày càng nhiều sang các thị trường cao cấp.

Đạt được kết quả hôm nay là sự chủ động đồng bộ, cách làm bài bản của cấp ủy, chính quyền, người dân từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ.

Để tổ chức thành công vụ vải thiều năm nay, đồng chí đề nghị Bắc Giang tập trung vào các nhiệm vụ như: Điều hành sản xuất, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, sâu bệnh, có giải pháp chăm sóc phù hợp; kiểm soát chặt chẽ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rà soát lại các kịch bản tiêu thụ trong mọi tình huống. Đẩy mạnh kết nối với siêu thị, chợ đầu mối, nhân rộng mô hình bán hàng trên các nền tảng.

Chủ động bố trí điểm tập kết, vận chuyển, kho lạnh bảo quản di động, giảm ùn tắc trong thời điểm thu hoạch rộ.

Tăng cường phối hợp doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, tạo luồng xanh xuất khẩu vải thiều. Bắc Giang cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu sản phẩm; tiếp tục truyền thông đồng bộ, vừa quảng bá vải thiều, vừa quảng bá văn hóa địa phương, có câu chuyện về vải thiều. Tăng cường truyền thông về vải thiều Bắc Giang sản xuất xanh, sạch.

Rà soát quy hoạch vùng vải thiều dựa trên diện tích hiện có theo từng khu vực, nhóm sản phẩm. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình canh tác theo hướng xanh, giá trị cao. Cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang sớm tham mưu nghiên cứu thỏa thuận hợp tác giữa Bộ với tỉnh về triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển nông nghiệp bền vững.

Về phía doanh nghiệp cần chủ động lập kế hoạch thu mua, sơ chế, chế biến, xuất khẩu cho từng thị trường, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; khẩn trương liên kết, đầu tư kho lạnh để bảo quản, sơ chế tạm thời sản phẩm trong thời điểm chưa tiêu thụ hết.

Các cơ quan chuyên môn của Bộ cử cán bộ hỗ trợ doanh nghiệp về kiểm dịch, các thủ tục xuất khẩu sản phẩm; theo dõi giá cả thị trường hàng hóa để thông tin kịp thời đến người dân, doanh nghiệp.

Với các giải pháp trên, đồng chí mong rằng cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp sẽ chung sức, đồng lòng nâng tầm thương hiệu vải thiều Bắc Giang.

 Các đồng chí: Đỗ Đức Duy, Nguyễn Việt Oanh và đoàn công tác thăm vùng xuất khẩu vải thiều xã Phúc Hòa (Tân Yên).

Các đồng chí: Đỗ Đức Duy, Nguyễn Việt Oanh và đoàn công tác thăm vùng xuất khẩu vải thiều xã Phúc Hòa (Tân Yên).

Trước đó, đoàn công tác đã thăm mô hình sản xuất vải thiều xuất khẩu tại xã Phúc Hòa (Tân Yên); cơ sở đóng gói vải thiều xuất khẩu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (thành phố Bắc Giang).

Tin, ảnh: Trịnh Lan - Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bo-truong-do-duc-duy-chung-suc-dong-long-nang-tam-thuong-hieu-vai-thieu-bac-giang-postid417879.bbg
Zalo