Giao tiếp là 'liều thuốc' đầu tiên

Không chỉ chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, nhiều cơ sở y tế có chuyển biến tích cực trong thái độ phục vụ, cách ứng xử với người bệnh. Các đơn vị y tế dần thay đổi theo hướng xem người bệnh như khách hàng cần được chăm sóc tận tình, chu đáo nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân.

Khu vuc tiếp đón bệnh nhân tại Bệnh viện Bình Thuận

Khu vuc tiếp đón bệnh nhân tại Bệnh viện Bình Thuận

Khảo sát định kỳ

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận luôn chú trọng cải thiện môi trường khám, chữa bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp khu vực chờ khám hợp lý, bố trí đầy đủ ghế ngồi và quạt mát nhằm giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, giảm căng thẳng, mệt mỏi. Việc bốc số khám thông qua Kiosk thông minh, hiển thị số thứ tự khám trên bảng điện tử giúp quy trình diễn ra trật tự, không chen ngang đảm bảo sự công bằng cho tất cả bệnh nhân.

Ông Nguyễn Văn X., (phường Phan Thiết, tỉnh Lâm Đồng), chia sẻ: “Tôi lớn tuổi, đi lại khó khăn nhưng bệnh viện bố trí ghế ngồi thoáng mát, có người hướng dẫn tận tình. Việc lấy số thứ tự cũng rõ ràng, không chờ đợi lâu". Tương tự, theo chị Lê Thanh B. (phường Hàm Thắng), bác sĩ, điều dưỡng nói chuyện nhẹ nhàng, dễ hiểu. Các y bác sĩ thay đổi nhiều, chu đáo, gần gũi hơn với người bệnh. Nhà vệ sinh sạch sẽ hơn trước, không còn cảm giác ngại ngùng mỗi khi cần dùng tới.

Được biết, các cơ sở khám, chữa bệnh đều thực hiện Quyết định 2151/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Đó là tập huấn kỹ năng giao tiếp cho toàn thể cán bộ, nhân viên y tế; bố trí bộ phận chăm sóc “khách hàng” tại Khoa Khám bệnh. Đồng thời, duy trì đường dây nóng, hòm thư góp ý và xử lý kịp thời phản ánh.

Bác sĩ Ngô Văn Ba - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận) cho biết: Song hành phát triển chuyên môn, Ban Giám đốc bệnh viện thường xuyên kiểm tra tác phong, giao tiếp, cách ứng xử của nhân viên tại các khoa, phòng để kịp thời chấn chỉnh. Đồng thời, việc khảo sát sự hài lòng của người bệnh được thực hiện định kỳ hằng tháng. Kết quả cho thấy đa số người bệnh nội trú, ngoại trú đều hài lòng với thái độ phục vụ của các nhân viên y tế.

Bình tĩnh, lắng nghe, thấu hiểu

Theo bác sĩ Ba, dù còn khó khăn về cơ sở vật chất, áp lực công việc và số lượng bệnh nhân đông, nhưng cả tập thể vẫn nỗ lực cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho người bệnh. Trên thực tế, có những tình huống xảy ra trong bệnh viện bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của người bệnh và thân nhân về quy trình chuyên môn, đặc biệt tại Khoa Cấp cứu. Nhiều người cho rằng vào cấp cứu là phải được khám ngay, không nắm rõ nguyên tắc phân loại và ưu tiên nên dễ xảy ra phản ứng gay gắt. Thậm chí, có hành vi kích động nhân viên y tế. Trước những tình huống này, y bác sĩ luôn giữ thái độ bình tĩnh, giải thích rõ ràng để người bệnh, người nhà hiểu, từ đó hợp tác tốt hơn. Nếu căng thẳng tiếp diễn, lãnh đạo khoa, điều dưỡng trưởng hoặc Ban Giám đốc sẽ trực tiếp đối thoại, làm rõ vấn đề nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người bệnh và giữ vững niềm tin của người dân.

Để giảm hiểu nhầm, các cơ sở y tế chú trọng truyền thông, phổ biến quy trình khám cấp cứu ngay tại khu vực tiếp đón. Nhân viên tiếp nhận, bảo vệ cũng được tập huấn kỹ năng giao tiếp để hỗ trợ người bệnh từ khâu đầu. Giao tiếp thân thiện, gần gũi không chỉ giúp người bệnh cảm thấy được tôn trọng mà còn tạo nền tảng cho quá trình điều trị hiệu quả. Khi có sự thấu hiểu và hợp tác, người bệnh sẽ tuân thủ tốt hướng dẫn y tế, từ đó rút ngắn thời gian hồi phục.

Những nỗ lực trên không chỉ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa thầy thuốc và người dân. Đây là nền tảng quan trọng các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

TRANG HIẾU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/giao-tiep-la-lieu-thuoc-dau-tien-382117.html
Zalo