Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Doanh nghiệp nông sản sẵn sàng kịch bản Mỹ không giảm thuế
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các đơn vị xuất khẩu nông sản sang Mỹ thảo luận về giải pháp trước mức thuế mới, trong đó có kịch bản không thể đàm phán.
Yêu cầu trên được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nêu tại buổi làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu nông sản chủ đạo sang thị trường Mỹ.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ và Chính phủ đã có nhiều động thái ngay sau khi ông Trump công bố mức thuế đối ứng mới, trong đó con số đưa ra với Việt Nam là 46%. Theo đó, hiện nay Việt Nam mong muốn có thể đàm phán với Mỹ để đưa ra các giải pháp nhằm hạ mức thuế này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh chúng ta phải luôn chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu nhất là Mỹ vẫn áp dụng chính sách này, không trì hoãn. Vì thế, ông Duy mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội cùng với Bộ bàn bạc để có thêm giải pháp ứng phó.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. (Ảnh: Bộ NN&MT)
Ông Duy nhấn mạnh, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và sẽ tiếp tục lắng nghe để tìm ra những giải pháp thiết thực. Đồng thời, việc đoàn kết, đồng lòng vì lợi ích chung của cộng đồng ngành hàng và quốc gia sẽ là yếu tố quyết định trong giai đoạn này.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã được Chính phủ chỉ đạo từ trước. Trong đó, việc đàm phán với các đối tác của Mỹ như Bộ Nông nghiệp Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, nhằm có tiếng nói chung với Chính phủ Mỹ.
Đặc biệt, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân duy trì kế hoạch sản xuất, không thay đổi trong thời gian này. Bên cạnh đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường thay thế và tiếp tục ghi nhận các kiến nghị từ doanh nghiệp, hiệp hội để đề xuất với Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ rà soát các rào cản kỹ thuật về cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu nông sản, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ. Bộ cũng phối hợp với doanh nghiệp nghiên cứu phát triển các ngành sản xuất vật tư đầu vào cho nông nghiệp, như thức ăn chăn nuôi và thuốc bảo vệ thực vật, nhằm giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, khuyến khích chế biến sâu, tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực tạm trữ, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.
Tận dụng tối đa thời gian giao hàng
Theo ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tận dụng thời gian để giao hàng trước 9/4 nhằm ứng phó với tình hình trước mắt.
Theo ông Phong, những năm vừa qua, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đều đạt trên 13 tỷ USD (xuất siêu trên 10 tỷ USD) và nhập khẩu từ Mỹ khoảng trên 3 tỷ USD/năm. Riêng năm 2024 xuất khẩu đạt 14,31 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023 và nhập khẩu đạt 3,44 tỷ USD.
Còn trong quý I/2025, Việt Nam xuất sang Mỹ đạt 3,21 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2024 và nhập khẩu từ Mỹ đạt 914 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, các mặt hàng chủ lực là gỗ, tiêu, điều, thủy sản, cà phê và rau quả.

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản được khuyến cáo nên đẩy nhanh giao hàng trước ngày 9/4 và càng sớm càng tốt trong thời gian từ 1-3 tháng tới.
Ông Phong cho rằng, việc áp thuế cơ bản 10% với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ tác động trực tiếp đến tổng thể cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ nói chung; tác động lớn đến xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam và ảnh hưởng đến mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2025 nói riêng.
Hiện nay, dù mức thuế đối ứng là 46% nhưng áp dụng cho từng ngành là khác nhau. Do đó cần có sự phân tích đánh giá cụ thể hơn về biểu thuế sẽ áp đối với từng mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.
Về đề xuất các giải pháp, ông Ngô Hồng Phong cho biết, trước mắt cần thông tin và tạo điều kiện (về logistics, thủ tục hải quan...) để các doanh nghiệp kịp đẩy nhanh việc giao hàng trước thời điểm ngày 9/4 và càng sớm càng tốt trong thời gian 1-3 tháng tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động trao đổi với khách hàng, đối tác nhập khẩu để có phương án xử lý các hợp đồng đã ký kết, cùng chia sẻ trách nhiệm khi bị áp thuế bổ sung.
Tiếp tục xem xét phương án xử lý đối với các nội dung mà phía Mỹ quan ngại. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ để tránh việc Mỹ cho là gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc và xem xét quyết định cuối cùng về phương án đề xuất áp thuế về 0%.
Trong dài hạn, cần chuyển hướng thị trường xuất khẩu sang một số nước có FTA với Việt Nam, tương ứng với tiêu chí về dung lượng thị trường, có thể là Trung Quốc hoặc châu Âu.
Về thứ tự ưu tiên chuyển hướng mà ông Phong đưa ra với từng sản phẩm là: gỗ và sản phẩm gỗ hướng đến Nhật Bản, Trung Quốc, EU; thủy sản hướng đến Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc; hạt điều hướng đến EU, Trung Quốc, UAE, Anh; hạt tiêu hướng đến EU, UAE, Ấn Độ, Trung Quốc; rau quả hướng đến Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, ASEAN; cà phê hướng đến Đức, Italia và Nhật Bản.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ xem xét triển khai sớm như đàm phán riêng về gói thuế nông sản với Mỹ, hiện đã được trao đổi bước đầu với Chính phủ và đoàn công tác của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Nghiên cứu khả năng dịch chuyển chuỗi sản xuất, ví dụ như nhập gỗ tròn từ Hoa Kỳ, chế biến trong nước, xuất khẩu sang Trung Quốc.
Rà soát thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường ngoài Hoa Kỳ, đảm bảo hài hòa lợi ích.
Đề xuất với Bộ Tài chính về việc rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT, tạo thuận lợi về dòng tiền cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh giảm chi phí logistics, hỗ trợ doanh nghiệp về vận chuyển, lưu kho, bảo quản hàng hóa...