Bộ trưởng Bộ Y tế: Công tác hậu kiểm trong lĩnh vực y tế ở các địa phương chưa nghiêm

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thời gian vừa qua, mặc dù giao công tác tăng cường hậu kiểm cho các cấp chính quyền địa phương triển khai nhưng việc này thực hiện chưa nghiêm.

Sáng nay (23/5), Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả triển khai Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì, kết nối từ điểm cầu Trung ương tại trụ sở Bộ Y tế đến UBND các tỉnh, thành phố.

Không khoan nhượng với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì, kết nối từ điểm cầu Trung ương tại trụ sở Bộ Y tế đến UBND các tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, quản lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu

"Bộ Y tế luôn xác định rõ công tác quản lý các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế là nhiệm vụ then chốt trong phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là kiên quyết, đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả trong lĩnh vực y tế. Các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có hành vi buông lỏng quản lý, tiếp tay hoặc bao che cho các hoạt động sai phạm”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Theo bà Lan, thời gian qua, Bộ Y tế hiện đang tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, Bộ đã trình dự thảo Luật An toàn thực phẩm sửa đổi. Song song đó, thường xuyên cập nhật các văn bản hướng dẫn chuyên ngành, đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đặc thù này.

"Đây là lĩnh vực có yếu tố kỹ thuật cao, phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện tại cơ sở. Vì vậy, việc rà soát, sửa đổi chính sách cần được tiến hành thường xuyên và toàn diện", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Theo Bộ Y tế, thực tế triển khai tại các địa phương cho thấy, đây là thị trường có lợi nhuận cao, dễ bị lợi dụng bởi các đối tượng làm ăn không chính đáng. Nhiều hành vi vi phạm đã qua mặt cơ quan chức năng nhờ khai thác kẽ hở pháp luật hoặc những bất cập trong thực tiễn thực thi.

"Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử và mạng xã hội phát triển nhanh chóng, việc quản lý các sản phẩm y tế càng trở nên phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sức khỏe và tính mạng người dân", bà Lan nói.

Công tác hậu kiểm ở địa phương chưa nghiêm

Theo Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc vi phạm là việc tổ chức hậu kiểm tại địa phương chưa được triển khai đồng bộ, chưa nghiêm túc. Nhiều sản phẩm sau khi lưu thông ra thị trường không được kiểm tra, giám sát đầy đủ.

"Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc vi phạm trong thời gian qua là do cơ chế hậu kiểm tại địa phương chưa được triển khai một cách nghiêm túc, đồng bộ. Với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Thế nhưng thời gian qua, nhiều mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ sau khi lưu thông ra thị trường", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Do đó, cần đẩy mạnh cơ chế hậu kiểm, giao quyền cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện trên cơ sở rà soát, đánh giá thực tiễn.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Địa phương kêu khó trong hậu kiểm

Tại hội nghị trực tuyến, đại diện tỉnh Hòa Bình “kêu” khó trong quá trình hậu kiểm. Mặc dù từ đầu năm 2024 địa phương đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra nhưng rất khó để xác định được hàng giả.

“Theo quy định lấy mẫu, địa phương chỉ kiểm tra được chỉ số an toàn thực phẩm, chứ không kiểm tra được chất lượng. Và khi thực hiện kiểm tra, đoàn chỉ kiểm tra hậu kiểm ở cơ sở sản xuất và chỉ có thể kiểm tra chất lượng khi người dân có ý kiến”, đại diện tỉnh Hòa Bình cho biết.

Liên quan đến vụ sữa giả vừa rồi, đại diện tỉnh Hòa Bình cho biết, công ty sản xuất sữa giả thực hiện công bố sữa ở tỉnh Hòa Bình nhưng lại không bán hàng trên địa bàn tỉnh, không bán ở siêu thị hay bất cứ bệnh viện nào trên địa bàn.

Ngoài ra đại diện tỉnh Hòa Bình cũng cho biết việc hậu kiểm chỉ thực hiện được ở cơ sở sản xuất, vì lực lượng mỏng. Tỉnh này cho rằng các đối tượng sản xuất hàng giả rất tinh vi, họ lách các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Do đó rất khó để đuổi theo hậu kiểm được tất cả các sản phẩm nghi ngờ.

“Nếu chỉ nghi nghờ cũng chưa dám làm, vì mẫu rất nhiều. Một tỉnh cũng không có nhiều tiền để xét nghiệm tất cả các sản phẩm khi có nghi nghờ. Bởi ngoài sữa giả, thuốc giả còn rất nhiều các sản phẩm khác nữa. Ngoài ra đoàn đi kiểm tra rầm rộ cũng rất khó lấy được mẫu đúng để kiểm tra”, vị này cho hay.

Do đó đại diện tỉnh Hòa Bình cho rằng cần sửa đổi Nghị định 15 về an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp, khi có đầu ra cần phải chứng minh được sản phẩm đó đạt chất lượng hay không.

Trước ý kiến của đại diện tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng về kiến nghị sửa Nghị định 15, Bộ Y tế đã và đang tiến hành từ nhiều tháng nay.

Về việc đoàn kiểm tra đột xuất, rầm rộ, theo Bộ trưởng đây là đợt cao điểm nên các địa phương tăng cường ra quân phòng chống hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên công việc này các địa phương cần phải tiến hành quanh năm, chứ không chỉ phát động 1 tháng và thực hiện trong tháng đó.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng nêu cao vai trò của người dân trong phát hiện, tố giác hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả đến cơ quan chức năng để có thể vào cuộc sớm, kịp thời.

Nguyễn Hà/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bo-truong-bo-y-te-cong-tac-hau-kiem-trong-linh-vuc-y-te-o-cac-dia-phuong-chua-nghiem-post1201592.vov
Zalo