Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường gửi 10 đề xuất đến Liên hợp quốc
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Đỗ Đức Duy gửi 10 đề xuất quan trọng với lãnh đạo cấp cao Liên hợp quốc, trong đó có 5 vấn đề về biến đổi khí hậu và môi trường, 5 vấn đề về nông nghiệp và hệ thống lương thực - thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ NN&MT nêu 10 đề xuất với Liên hợp quốc.
Chiều 16/4, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam 2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Đỗ Đức Duy đã tiếp song phương Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed. Cùng dự có bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ NN&MT đã nêu 10 đề xuất quan trọng với lãnh đạo cấp cao Liên hợp quốc, trong đó có 5 vấn đề về biến đổi khí hậu và môi trường, 5 vấn đề về nông nghiệp và hệ thống lương thực - thực phẩm (LTTP).
Trong đó, về biến đổi khí hậu và môi trường, giai đoạn này, Bộ NN&MT đang chủ trì xây dựng bản cập nhật Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) phiên bản 3.0. Dự thảo đầu tiên của NDC 3.0 dự kiến sẽ được hoàn thiện vào tháng 6 năm 2025 và gửi tới Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) trước thềm Hội nghị COP30 diễn ra vào tháng11/2025.
Việt Nam mong muốn Liên hợp quốc tiếp tục đồng hành hỗ trợ triển khai các cam kết tại COP26, cũng như thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 và Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về phát triển kinh tế tuần hoàn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là vai trò chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Theo đó, Việt Nam đề nghị các tổ chức Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, hoàn thiện các quy trình, bộ tiêu chí, chỉ tiêu và tiêu chuẩn áp dụng cho kinh tế tuần hoàn ở nhiều cấp độ khác nhau.

Ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam mong muốn nhận hỗ trợ để phát triển các công cụ đo lường, đánh giá và triển khai thí điểm các mô hình kinh tế tuần hoàn; tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, đào tạo để phát triển Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam, hướng tới việc xây dựng một trung tâm tư vấn, hỗ trợ kiến thức, chính sách và kết nối nguồn lực giữa các chủ thể trong nền kinh tế.
Liên quan đến triển khai Quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), Việt Nam đề nghị Liên hợp quốc thúc đẩy nhóm đối tác quốc tế xem xét và hỗ trợ đầu tư cho 8 đề xuất dự án thuộc các lĩnh vực năng lượng (thủy điện, điện gió, năng lượng mặt trời, tích hợp năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, trạm biến áp) và vật liệu xây dựng (xi măng).
Về bảo tồn đa dạng sinh học, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu các phương pháp luận, áp dụng các giải pháp thuận thiên; thúc đẩy cách tiếp cận hệ sinh thái gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Cùng với đó, phát triển nông nghiệp và hệ thống LTTP bền vững, phù hợp với các vùng sinh thái.
Đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn (KTTV), người đứng đầu ngành NN&MT mong muốn Liên hợp quốc hỗ trợ nguồn lực kỹ thuật, tài chính nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, truyền tin KTTV góp phần thực hiện sáng kiến hệ thống cảnh báo sớm cho tất cả (EW4all) của Liên hợp quốc khởi xướng; hợp tác Nghiên cứu khoa học khí tượng, thủy văn, hải văn; và Xây dựng Khung dịch vụ khí hậu quốc gia.
Còn về nông nghiệp và phát triển hệ thống LTTP, từ nền tảng hợp tác hiện có, Việt Nam đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo định hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Việt Nam mong muốn trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo về hệ thống LTTP của khu vực Đông Nam Á (Food Innovation Hub), đóng vai trò tiên phong trong phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp và bền vững.
Việt Nam mong muốn huy động nguồn lực tài chính từ các Quỹ tài chính đa phương (Quỹ Khí hậu xanh, Quỹ Môi trường toàn cầu, Quỹ Thích ứng, Quỹ Mục tiêu thiên niên kỷ SDG…) để triển khai các giải pháp giảm phát thải, đầu tư nông nghiệp xanh trên toàn chuỗi giá trị nông sản, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam.

Bộ trưởng NN&MT trao đổi với các đại diện UN tại Việt Nam.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp và môi trường khẳng định, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, ít phát thải, nhân rộng mô hình hợp tác công - tư, đồng thời minh bạch hóa thị trường và hoạt động thương mại nông sản.
Bên cạnh đó, tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và gắn kết các tác nhân trên toàn chuỗi nông sản; Thiết lập các cơ chế quản trị hệ thống nông nghiệp toàn diện và giám sát đánh giá; giúp giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm ở các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, phân phối đến tiêu dùng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Thư ký Amina Mohammed đánh giá cao vai trò ngày càng chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong các nỗ lực toàn cầu về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Bà nhấn mạnh, chủ đề tăng trưởng xanh mang ý nghĩa hết sức thiết yếu, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia đang chuẩn bị trình NDC cập nhật lên Hội nghị COP30.
"Liên hợp quốc rất mong Thủ tướng và các thành viên Chính phủ Việt Nam sẽ tham dự sự kiện quan trọng này, để thể hiện quyết tâm và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam trong việc chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh và bền vững" - bà Amina Mohammed nói.

Bà Amina Mohammed - Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Bà Amina Mohammed cũng ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu với các cam kết mạnh mẽ trong giảm phát thải khí nhà kính và chuyển dịch năng lượng công bằng. Với vai trò tiên phong đó, Việt Nam có nhiều bài học quý báu cần chia sẻ với cộng đồng quốc tế, không chỉ về thành tựu đạt được, mà còn nhìn nhận trung thực về những thách thức một quốc gia đang phát triển có thể phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi. Từ đó, làm rõ những nhu cầu hỗ trợ cụ thể cần cộng đồng quốc tế chú trọng.
Hội nghị thượng đỉnh P4G là nền tảng quan trọng giúp nâng cao khung chính sách, cải thiện môi trường đầu tư và huy động thêm nguồn lực để thúc đẩy các sáng kiến phát triển xanh. Phó Tổng thư ký bày tỏ tin tưởng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, những cơ hội đầu tư cho tăng trưởng bền vững sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.