Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Việt Nam đang trong 'chặng nước rút' của tiến trình cách mạng
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Việt Nam đang trong 'chặng nước rút' của tiến trình cách mạng nhằm hiện thực hóa mục tiêu 100 năm thành lập nước.
Trong bài viết "Sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp - Cuộc cách mạng tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ: "Việt Nam đang thực hiện mạnh mẽ cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị nhằm xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp được xem là một trong những giải pháp chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu trên.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đảng ủy Chính phủ, Bộ Nội vụ đã và đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương để tham mưu trình các cấp có thẩm quyền Đề án về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, đồng thời xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng hai cấp.
Một trong những nội dung trọng tâm là việc tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương; ban hành Nghị quyết mới về sắp xếp đơn vị hành chính và các văn bản liên quan. Những thay đổi này là điều kiện tiên quyết để tiến hành việc sáp nhập một số tỉnh, thành phố, không tổ chức cấp huyện, đồng thời tái cấu trúc đơn vị hành chính cấp xã theo hướng phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước.
Việc sửa đổi và bổ sung các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương không chỉ mang ý nghĩa cải cách hành chính, mà còn đóng vai trò là hành lang pháp lý cho các cơ quan, tổ chức vận hành theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tinh, gọn, hiệu năng và hiệu lực. Mô hình này không chỉ tiết kiệm nguồn lực mà còn tăng cường tính chủ động, linh hoạt của chính quyền địa phương trong quản lý điều hành, bảo đảm sự thích ứng nhanh với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, công tác tổ chức lại đơn vị hành chính còn gắn với nhiệm vụ điều chỉnh không gian phát triển kinh tế, phân công, phân cấp quản lý, điều phối và huy động các nguồn lực. Đây là những tiền đề cần thiết nhằm mở rộng không gian phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước trong dài hạn, phù hợp với xu thế của thế giới và tầm nhìn chiến lược đến năm 2045.
Tổ chức lại đơn vị hành chính
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thế giới đang trong giai đoạn chuyển mình mang tính thời đại. Từ nay đến năm 2030 được xác định là thời điểm bản lề để định hình trật tự thế giới mới. Với Việt Nam, đây cũng là giai đoạn có ý nghĩa chiến lược là "chặng nước rút" trong tiến trình cách mạng nhằm hiện thực hóa mục tiêu 100 năm thành lập nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Hồng Phong
Sự biến động nhanh chóng của thế giới không chỉ đem đến thời cơ mà còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trí tuệ nhân tạo, công nghệ số và kết nối toàn cầu, các quốc gia đang phát triển có thể "rút ngắn" khoảng cách, vươn lên mạnh mẽ nếu kịp thời nắm bắt cơ hội. Muốn vậy, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương cần phải được thiết kế lại theo hướng hiệu quả, tối ưu, thích ứng và đột phá.
Lịch sử cách mạng Việt Nam là minh chứng cho việc biết tận dụng thời cơ, vượt qua thử thách, khơi dậy và phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc kết hợp với xu thế của thời đại. Kỳ tích về chiến thắng hai đế quốc lớn, hay thành công trong công cuộc Đổi mới từ một quốc gia từng bị bao vây cấm vận đã chứng minh rằng: Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với khát vọng vươn lên, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những bước phát triển vượt bậc.
Hiện nay, ý Đảng và lòng dân đang hòa quyện trong khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, hạnh phúc. Đây chính là thời điểm “hội tụ” các điều kiện để Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ tiếp sau các kỷ nguyên độc lập, xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu cấp bách đặt ra là cần tổ chức lại bộ máy chính quyền các cấp theo hướng tinh, gọn, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu phát triển. Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là biện pháp kỹ thuật hành chính, mà là giải pháp chiến lược, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Có thể thấy, đây là thời điểm "hội tụ" tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Tình hình mới diễn ra trong thực tiễn trên đặt ra nhiệm vụ cấp bách đối với việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Để nâng cao hiệu quả sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, đảm bảo thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm chính trị mạnh mẽ, các cấp chính quyền cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế pháp luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp triệt để giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh cho chính quyền địa phương cấp cơ sở.
Thứ tư, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy đó là đối với CBCCVC cấp tỉnh phải tổng hợp hơn, khái quát hơn, toàn diện hơn; đồng thời có những yếu tố rất cụ thể, thực tiễn.
Thứ năm, tăng cường sự tham gia của người dân, tổ chức vào quản trị địa phương, tăng cường tính dân chủ và giám sát của Nhân dân.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước, là chìa khóa của chính quyền điện tử, tạo cơ sở nền tảng cho xây dựng chính quyền số.